Sau mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá các mặt hàng khác thường tăng theo; trong đó, bị tác động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp là ngành vận tải. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, cước vận tải tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn chưa tăng.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, cho biết, hai lần xăng tăng giá là đủ điều kiện tăng giá vận chuyển hành khách, song do tình hình kinh tế khó khăn nên các hãng taxi vẫn cố gắng giữ giá ở mức ổn định như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có thêm một đợt tăng giá xăng nữa thì các doanh nghiệp taxi khó tránh khỏi việc tăng giá cước.
Tương tự, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, giá xăng tăng 3 - 5% là đủ điều kiện tăng giá cước vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, việc có tăng giá cước vận tải hay không và tăng mức bao nhiêu cần phải dựa vào hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp vận tải với khách hàng. Thực tế, đến thời điểm hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào đưa kiến nghị tăng giá cước.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia kinh tế dự đoán, trong thời gian tới, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới bởi hiện có nhiều yếu tố tác động như lộ trình tăng giá xăng, gas, điện, nước, dịch vụ y tế, tăng lương cơ bản cho cán bộ công nhân viên chức từ ngày 1/7. Tuy nhiên, mức tăng giá sẽ không quá cao do sức mua trên thị trường vẫn thấp.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy luật thị trường, sau một thời gian tăng giá xăng, gas, lương tối thiểu, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mức tăng sẽ không đáng kể.
Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vận tải taxi cũng vẫn cầm cự không tăng giá cước. Lý giải thực tế này, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng: Biên độ tăng giá xăng lần này không lớn và mức giá bán cũng chưa lên mức sốc 24.850 đồng/lít như hồi tháng 3/2013.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định: Giá xăng dầu tăng là hợp lý để phù hợp với giá thế giới. Việc tăng giá xăng, dầu làm đội chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải chút ít, nhưng không nhiều, nên các doanh nghiệp sẽ có sự cân đối tài chính. Hiệp hội cũng chưa có chủ trương tăng giá cước vận tải. “Với tuyến cố định thì khó tăng vì làm thủ tục tăng giá mất nhiều thời gian, thậm chí lên tới cả tháng, vì vậy khi hoàn thành thủ tục, trong trường hợp xăng giảm sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh giá cước. Với taxi, giá xăng tăng có thể ảnh hưởng đến lái xe nhưng các doanh nghiệp taxi cũng sẽ không tăng giá. Bởi, lượng khách hiện tại rất ít, nếu tăng nữa sẽ làm mất khách.
Còn theo Giám đốc Công ty Taxi Thăng Long Nguyễn Tiến Long, giá xăng dầu không tăng mạnh, doanh nghiệp có thể hỗ trợ lái xe. Các hãng taxi khác tại Hà Nội cũng không điều chỉnh giá, vì phương án tăng giá cước chỉ là phương án cuối cùng được tính đến trong bối cảnh tăng giá xăng.
Làm nghề lái taxi được gần 10 năm, nhưng Tuấn Hà, nhân viên lái xe taxi Hương Lúa phàn nàn: “Chưa bao giờ thấy thu nhập thấp như hiện nay”. Theo nhận định của anh Hà, việc taxi tăng giá cước sau đợt tăng giá xăng vừa qua là khó xảy ra bởi nếu tăng giá cước thì lượng khách sẽ tiếp tục giảm và thu nhập của lái xe cũng sẽ giảm theo.