Đức đã trở thành mục tiêu do thám số một của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Theo một cựu nhân viên NSA, Mỹ không còn tin tưởng Đức sau những vụ khủng bố này.Nóc toà nhà Đại sứ quán Mỹ ở Berlin bị coi là nơi đặt nhiều thiết bị theo nghe trộm. |
Tạp chí "Tấm gương" của Đức dẫn lời ông Thomas Drake, cựu nhân viên NSA, cho biết cơ quan này muốn trừng phạt Đức do nước này không phát hiện được một mạng lưới khủng bố Al-Qaeda từ Hamburg lên kế hoạch cho hàng loạt vụ tấn công ở Mỹ. Theo Drake, NSA quyết định không thể tiếp tục tin tưởng Đức, bởi tình báo Đức đã không phát hiện được một mạng lưới khủng bố "tồn tại, huấn luyện và liên lạc" sờ sờ với nhau ở Hamburg. Tuy nhiên, ông Drake cũng cho rằng điều nực cười là sau đó, NSA lại tăng cường hợp tác với Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND), bởi NSA "muốn kiểm soát nhiều hơn và muốn biết nhân viên BND đang làm gì". Và do vậy, mối quan hệ giữa NSA và BND đã trở nên "gần gũi một cách bất thường", không khác mấy so với những hợp tác, trao đổi chính thức của 5 nước trong Câu lạc bộ tình báo "5 Mắt", gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đảm bảo với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng NSA sẽ không theo dõi điện thoại di động của bà nữa, thì những người khác, trong đó có một số chính trị gia, vẫn là mục tiêu theo dõi của tình báo Mỹ. Theo bà Jesselyn Radack, luật sư của cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden, các công tố viên Đức có thể sẽ triệu các quan chức NSA liên quan tới hoạt động do thám ở Đức tới để thẩm vấn. Trong trường hợp không có phản hồi thì họ và gia đình họ có thể sẽ gặp khó khăn khi muốn tới châu Âu. Bà Radack nói với báo Tấm gương rằng mục tiêu thực sự của hoạt động thu thập dữ liệu mà NSA tiến hành là nhằm "kiểm soát người dân cũng như tiến hành gián điệp kinh tế".
Mạng lưới khủng bố ở Hamburg nêu trên, do Mohammed Atta điều hành và được trùm khủng bố Osama bin Laden chiêu mộ, năm 2001 đã cướp máy bay và lao vào toà tháp đôi ở New York và Lầu Năm Góc, làm gần 3.000 người chết.
Tin, ảnh: Mạnh Hùng