Trong bài phát biểu ngày 8/11 tại Berlin (Đức)
nhân kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, cựu Tổng thống Liên Xô
trước đây, ông Mikhail Gorbachev đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống
Nga Vladimir Putin đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt của
phương Tây.Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev. |
Ông Gorbachev cho rằng trong phát biểu mới đây của ông Putin tại Câu
lạc bộ Valdai ông nhận thấy "nỗ lực tìm ra các biện pháp nhằm hạ nhiệt
căng thẳng và khả năng tạo ra các khuôn khổ hợp tác mới".
Cựu Tổng thống Liên Xô nhấn mạnh sự cần thiết của việc chấm dứt cáo
buộc lẫn nhau, đồng thời từng bước nới lỏng cấm vận khiến đôi bên đều
tổn hại. Ông Gorbachev kêu gọi: "Trước tiên là dỡ bỏ cái gọi là trừng
phạt cá nhân đối với các chính trị gia và nghị sĩ để họ có thể tham gia
tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng chấp nhận. Một trong các hướng hợp
tác có thể là giúp Ukraine vượt qua những hậu quả của cuộc chiến huynh
đệ tương tàn, khôi phục các khu vực bị ảnh hưởng".
Thế giới bên bờ vực Chiến tranh Lạnh mới
Trong phát biểu của mình, ông Gorbachev cho rằng "thế giới đang đứng
bên bờ vực Chiến tranh Lạnh mới, và một số người còn cho rằng cuộc Chiến
tranh Lạnh này đã bắt đầu". Theo quan điểm của ông, căng thẳng hiện nay
giữa Nga và phương Tây là do "sự sụp đổ niềm tin". Những tiền đề cho
tình hình căng thẳng này được hình thành từ thập niên 1990 khi phương
Tây, cụ thể là Mỹ, vi phạm những cam kết của mình và tự tuyên bố là bên
chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Trong khi
đó, cựu Ngoại trưởng LB Đức Hans-Dietrich Genscher trong cuộc phỏng vấn
với kênh truyền hình DW đã bác bỏ tuyên bố phương Tây bội ước về việc
không mở rộng NATO tới biên giới Nga. Theo ông, vấn đề này "chưa bao giờ
là chủ đề của các cuộc đàm phán và như vậy làm sao có thể là kết quả
đàm phán".
Cảnh báo quan hệ Nga-Đức bị tổn hại
Ông Gorbachev cảnh báo về khả năng quan hệ Nga-Đức bị tổn hại lâu dài.
Theo cựu Tổng thống Liên Xô, châu Âu không thể an toàn nếu thiếu quan hệ
Nga-Đức. Ông nhấn mạnh xu hướng tiêu cực có thể chấm dứt nhờ ý chí
chính trị và việc sắp đặt các ưu tiên một cách thích hợp.
Trong kết luận của mình, ông Gorbachev cho rằng hệ thống an ninh châu
Âu chỉ có thể mang tính đồng bộ. "Không nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn
đề này thông qua NATO hay chính sách quốc phòng của EU có thể đem lại
kết quả tích cực. Hơn thế, chúng sẽ chỉ phản tác dụng", ông Gorbachev
nói. Cuối cùng, cựu Tổng thống Liên Xô đề xuất việc trở lại các kế hoạch
và phác họa hệ thống an ninh châu Âu, theo đó tạo ra niềm tin và sự đảm
bảo cho tất cả các bên tham gia.
Duy Trinh