Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 26/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)- ông Lê Minh Hưng (ảnh) đã trả lời báo giới xung quanh chính sách quản lý thị trường vàng. Đây là điểm nóng được dư luận quan tâm vì thời gian qua, độ vênh giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn cao dù đã trải qua 12 phiên đấu thầu liên tiếp từ cuối tháng 3 tới nay với tổng lượng vàng mà NHNN bán ra là hơn 13,1 tấn.
Mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới theo yêu cầu của Quốc hội đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông có thể giải thích vì sao? Việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng có đạt được hiệu quả không, thưa ông?
Về chênh lệch giá vàng, chúng ta phải khẳng định: Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng. Tất cả nhu cầu về vàng miếng trong nước đều phải thông qua xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ. Đây là lý do mà trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép để nhập vàng nguyên liệu.
Theo dõi các giao dịch từ ngày 12/4 trở lại đây thì thấy, thị trường vàng quốc tế có sự giảm giá mạnh nhất, điều này càng làm cho giá chênh lệch trong và ngoài nước lớn thêm. Tôi khẳng định: Từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch nhưng không còn tái diễn tình trạng “sốt” vàng như trước. Thị trường vàng thời gian qua hoạt động hết sức ổn định. Đây là một trong những yếu tố then chốt góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô.
Về tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật cũng như việc quản lý dự trữ ngoại hối. Mục đích tổ chức đấu thầu vàng là góp phần tăng lượng cung, giảm áp lực cầu, nếu không giải quyết được vấn đề này, thị trường vàng sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt về giá.
Xin Phó Thống đốc cho biết: Thứ nhất, khoản chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới hiện giờ là từ 6 - 7 triệu đồng/lượng thì ai đang được hưởng lợi? Thứ hai, đến ngày 30/6 khi các ngân hàng hoàn thành trạng thái tất toán vàng thì khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có cân bằng được không?
Khi NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua hình thức đấu thầu vàng, NHNN khẳng định: Đây là hoạt động bình ổn thị trường, tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng chứ không bình ổn giá; không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới.
Trong thời gian qua, nhu cầu về vàng là có thực nhưng đã không xảy ra tình trạng “sốt” giá hay người dân đổ xô đi mua vàng như trước. Có thể nói đây là thành công lớn của việc triển khai Nghị định 24. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, chuyển về ngân sách nhà nước. Tôi cho rằng, sau ngày 30/6 là thời điểm các ngân hàng đã hoàn thành việc tất toán vàng thì chắc chắn nhu cầu sẽ giảm, khi đó chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm.
Hơn 13 tấn vàng đã bán ra, chủ yếu được các ngân hàng thương mại mua lại. Ông nói sao khi có ý kiến cho rằng NHNN tổ chức đấu thầu chủ yếu để hỗ trợ các ngân hàng tất toán trạng thái đúng hạn?
Như tôi đã nói, nhu cầu mua vàng tất toán của các tổ chức tín dụng cũng là một áp lực không nhỏ với thị trường. Nếu không mua được từ NHNN, họ phải mua trên thị trường mà như vậy thị trường càng thêm căng thẳng.
Về nguyên tắc, NHNN có thể trực tiếp bán cho các ngân hàng để hỗ trợ họ thực hiện việc tất toán. Nhưng được sự đồng ý của Chính phủ, chúng tôi đã tổ chức các phiên đấu thầu để đảm bảo bán ra cách công khai, minh bạch, theo tín hiệu thị trường. Tham gia đấu thầu không chỉ ngân hàng, mà còn có cả doanh nghiệp. Số vàng mua được, một phần họ dùng để tất toán hợp đồng cũ, phần khác đưa ra lưu thông trên thị trường. Đây là lý do giúp thị trường vàng và ngoại tệ thời gian qua không xáo trộn.
Thu Hường - Minh Phương (thực hiện)