Liên quan đến nội dung của Luật Đấu thầu (sửa đổi), tôi và một số đại biểu đề nghị nên tách riêng một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế là đấu thầu thuốc và thiết bị y tế. Tôi nghĩ riêng về đấu thầu thuốc nên có một luật riêng vì đây là vấn đề rất thiết thực đối với người dân, đặc biệt những người sử dụng là những người bệnh, người nghèo.
Tôi xin giải thích rõ thêm về đề xuất này: Thứ nhất, trong 10-15 năm qua, tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề giá thuốc luôn nóng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng do giá thuốc tăng cao, ảnh hưởng đến xã hội, do đó chúng ta phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc. Không nên để tình trạng Bộ Y tế nói giá thuốc Bộ Tài chính đảm nhiệm, còn Bộ Tài chính lại nói do Bộ Y tế, cuối cùng người dân vẫn chịu giá thuốc cao. Do đó, có lẽ đầu tiên chúng ta phải có cơ chế pháp luật kiểm soát việc này.
Thứ hai, thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt, do đó chúng tôi nghĩ phải có cơ chế pháp luật riêng mặc dù trong dự thảo luật này cũng đã có một chương về đấu thầu các loại dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn cần tách thành một luật riêng về đấu thầu thuốc thì rõ ràng hơn.
Thứ ba, năm 2012 chúng tôi ước tính quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỷ đồng tiền thuốc cho các bệnh viện. Hiện nay, trong số 63 tỉnh, thành thì có những tỉnh đấu thầu thuốc tập trung nhưng có những tỉnh giao cho mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu nên rất bất cập. Nếu chúng ta ban hành được luật riêng về đấu thầu thuốc để kiểm soát giá thuốc thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân, bởi đa số bệnh nhân vào bệnh viện họ phải trả tiền thuốc cao nên chúng ta cần kiểm soát được giá thuốc đúng với thực tế.
Vấn đề cuối cùng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Bộ Y tế hoặc bộ nào đó chuẩn bị dự án luật này, nếu Bộ Y tế từ chối, ngại không muốn làm thì chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Viện công tác lập pháp cùng với một số đại biểu Quốc hội sẽ xây dựng dự án luật này trình Quốc hội.
Minh Phương (ghi)