Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu có 2 loại ý kiến về tên nước: Một là đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai là lấy lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa. Về vấn đề này, tôi tán thành với ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này đã được sử dụng từ năm 1976 đến nay, được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, 37 năm qua, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với người dân và được cộng đồng quốc tế công nhận. Vì vậy, cần giữ cách gọi này nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ.
Riêng về vấn đề sở hữu đất đai (Điều 57), tại Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý có nêu 3 loại ý kiến. Trong đó, tôi tán thành với loại ý kiến thứ nhất, tức quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Bởi lẽ, xét về lịch sử, đất đai của nước ta là thành quả của cả sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả dân tộc và nhân dân; vì vậy đất đai phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và phải được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.
Tuy nhiên, tôi đề nghị phân định rõ hơn quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai nhằm tránh sự nhầm lẫn giữa các khái niệm này. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất cũng nên có sự tổng kết, đánh giá để có sự chỉ đạo thống nhất về cách thực hiện giữa các địa phương. Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý. Để đảm bảo việc thu hồi đất không bị lạm dụng, việc thu hồi, bồi thường cần phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng đúng quy định của pháp luật. Theo tôi, khi thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của dân… thì chính quyền nên đứng ra thu hồi đất, phân định rõ ràng mục đích sử dụng để đưa ra hình thức đấu thầu giá để chủ đầu tư thanh toán với mức giá phù hợp, có thể tương đương với giá thị trường. Như vậy, để tránh tình trạng chủ đầu tư chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ khi thu hồi đất nông nghiệp (100.000 đồng/m2) rồi phát triển thành khu công nghiệp và bán với giá 4 - 5 triệu đồng/m2. Thậm chí, tránh tình trạng chủ đầu tư thu hồi đất xong thì chuyển nhượng đất đai đó không đúng quy định hoặc không xây dựng, không đầu tư gì mà cứ để đất trống từ năm này đến năm khác…
Phương Liên