Đi nước ngoài roaming, facebook… thoải mái, thanh toán online, gọi điện dễ dàng dù tài khoản hết tiền..., các nhà mạng đua tung các dịch vụ tiện ích nhằm tăng doanh thu và giữ chân thuê bao cũ.
Cách đây vài năm, sử dụng roaming (dịch vụ chuyển vùng) quốc tế là điều khá xa xỉ bởi cước gọi và nhắn tin đều rất đắt. Với những người muốn dùng 3G để truy cập Internet trên smartphone, mức cước còn đắt đỏ hơn và cũng khó kiểm soát. Nhiều khách hàng dù rất cần dùng nhưng sau một vài lần phát sinh chi phí roaming bạc triệu đã “một đi không trở lại”.
Tuy nhiên, với việc cả 3 nhà mạng lớn đều tung ra dịch vụ roaming data không giới hạn tại một số nước (mở đầu là VinaPhone), tình hình đã thay đổi. Khách hàng có thể sử dụng 3G khi roaming để gọi Viber, Voice Chat qua Skype, Yahoo Messenger, lên Facebook cập nhật tin tức… mà chỉ phải trả tối đa 219.000 đồng/ngày (VinaPhone), 249.000 đồng/ngày (MobiFone). Nếu dùng ít hơn mức đó, khách hàng vẫn được tính và thanh toán theo lưu lượng. Trước đó, nếu với cước roaming thông thường, chỉ dùng 1Mb dữ liệu, khách hàng đã phải thanh toán hàng trăm nghìn đồng.
VinaPhone áp dụng dịch vụ này trên 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia, Hàn Quốc, Philíppin, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Trong khi đó, con số của MobiFone là 6 với: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Macao, Campuchia, Xinhgapo, Hàn Quốc.
Đại diện VinaPhone cho biết, dịch vụ này được hãng tiên phong triển khai từ năm 2009 với 4 nước, đi kèm với sự kiện tham gia liên minh di động Conexus. Sau khi thấy sự tiện lợi của dịch vụ, VinaPhone đã đàm phán và mở rộng vùng áp dụng tới 9 nước, vùng lãnh thổ. Chưa hết, để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh cước khủng, nhà mạng này còn cung cấp thêm tính năng nhắn tin cảnh báo cước roaming miễn phí. Theo đó, nhà mạng thường xuyên nhắn tin cảnh báo khi bắt đầu phát sinh cước, khi dùng quá 6MB hay 11MB. Đặc biệt nếu dùng quá 11MB, tương đương cỡ 5 triệu đồng, VinaPhone sẽ tạm khóa dịch vụ để tránh “tai nạn” cho khách hàng, sau đó nếu thực sự muốn dùng, chỉ cần nhắn tin.
Trong khi đó mới đây, MobiFone đã khai trương cổng thanh toán online trên website của mình. Khách hàng có thể ở bất kỳ nơi đâu truy cập vào trang web này là có thể nạp tiền cho thuê bao trả trước hoặc thanh toán dịch vụ trả sau mà chỉ cần thẻ ATM có kết nối Internet Banking.
Còn với Viettel, nhà mạng này lại tung liên hoàn các tính năng hướng vào giáo dục như bộ hòa mạng 7Colors và tính năng SMS parents. Với SMS parents - sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể nhận thông báo tình hình trường, lớp cũng như kết quả học tập hằng ngày của con qua tin nhắn. Đều nhắm vào nhu cầu thiết yếu của người dùng di động để thiết kế tính năng, các dịch vụ trên của 3 “đại gia” di động đều tạo ra những khác biệt nhắm vào các phân khúc khác nhau của thị trường dịch vụ gia tăng trên di động.
Theo một chuyên gia viễn thông, các tính năng dịch vụ mới không tạo sóng rầm rộ như ưu đãi cước nhưng giúp thuê bao sẽ “chung thủy” với nhà mạng hơn, chứ không “dễ đến dễ đi” như với lý do giá cước. Theo ông, điều này đã được chứng minh qua cuộc vật lộn sống còn của nhiều hãng viễn thông nhỏ: Tung nhiều ưu đãi khủng về giá nhưng chất lượng sóng không ổn thì khó phát triển bền vững và giữ chân khách hàng.
Nguyễn Phương