Hiện nay, phần lớn các trường mầm non có trẻ em dân tộc thiểu số đều bố trí mỗi lớp một giáo viên người Kinh và một giáo viên người dân tộc để dạy tiếng Việt. Đối với bậc tiểu học, tùy theo điều kiện thực tế, các trường tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng các hình thức như dạy tăng thời lượng, dạy học theo tài liệu tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, xây dựng “Thư viện thân thiện”…
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ các bậc phụ huynh học sinh tham gia vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, từ đó xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng…
Nhờ vậy, hàng năm, đến cuối năm học có 90 - 95% trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số đạt yêu cầu về tiếng Việt, trên 93% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình môn tiếng Việt. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, năm học 2017- 2018, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục dạy tiếng dân tộc Êđê ở 120 trường học, 677 lớp, với 14.200 học sinh từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở.
Tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa các bộ sách giáo khoa, tài liệu đáp ứng yêu cầu dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay, tỉnh có bộ sách giáo khoa tiếng Êđê ở bậc tiểu học, gồm 6 đầu sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép giảng dạy. Còn đối với việc dạy bộ tiếng Êđê ở bậc trung học cơ sở, tỉnh chủ yếu sử dụng tài liệu thực nghiệm từ lớp 6 đến lớp 7, chưa có bộ sách giáo khoa chuẩn.