Nhiều công trình thủy lợi, thủy điện của tỉnh Gia Lai chưa đảm bảo an toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình trong quá trình vận hành, nhất là vào mùa mưa.
Một đoạn cầu dân sinh phía hạ lưu thủy điện An Khê (Gia Lai) bị vỡ toác sau cơn lũ tháng 11/2013. |
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 137 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, nằm trên lưu vực các hệ thống sông Ba, sông Sê San và một số nhánh của sông Sêrêpôk. Trong đó, có 12 hồ chứa thủy điện và 5 hồ chứa thủy lợi có dung tích lớn hơn 10 triệu m3 nước; 4 hồ chứa thủy điện và 9 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 1 - 10 triệu m3 nước. Các hồ chứa nước do các công ty thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp cổ phần và các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành. Các hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, các đơn vị thủy nông cấp huyện, các công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, quản lý.
Từ nhiều năm nay, các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được khai thác sử dụng và vận hành an toàn, điều tiết nước vào mùa khô và cắt giảm lũ cho vùng hạ du vào mùa mưa. Các công trình đã khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Gia Lai nói riêng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, kiểm định đã phát hiện có một số công trình chưa đảm bảo an toàn đập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình trong quá trình vận hành, nhất là vào mùa mưa. Điển hình, đập thủy điện Thác Bà tại huyện Đăk Đoa của Công ty cổ phần thủy điện Gia lai (công suất 0,3 MW) đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần thân đập bị rò rỉ nước chảy thành dòng. Đập thủy điện Chưprông đã xảy ra hiện tượng thấm, tạo những dòng chảy nhỏ. Đập thủy lợi Ia Rbol (thị xã Ayunpa) cũng có nhiều chỗ trên phần thân đập bị hư hỏng. Riêng đập thủy điện Đak Lốp (huyện K'bang) đã bị hư hỏng hoàn toàn và ngừng phát điện từ năm 2010 đến nay. Công trình thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ) cũng bị cuốn trôi phần thân đập do xây dựng không đảm bảo chất lượng...
Về công tác bảo vệ an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện vẫn còn nhiều công trình chưa thực hiện đầy đủ, nhất là khi có những sự cố xảy ra. Cụ thể như việc thành lập đội xung kích phòng chống bão lũ đối với các công trình thủy điện chỉ có 19/ công trình thực hiện (chiếm 50%); trang bị phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác chống bão lũ chỉ có 10/ công trình được trang bị đầy đủ và tập kết tại hiện trường; phương tiện thông tin cảnh báo cho vùng hạ du sau đập chỉ có 12/ công trình thủy được trang bị đầy đủ...
Trước thực trạng trên, nhằm đảm bảo an toàn đập trong mọi tình huống, UBND tỉnh Gia Lai tăng cường chỉ đạo các chủ công trình thủy lợi, thủy điện xây dựng phương án bảo vệ đập, tập trung đầu tư sửa chữa công trình đập bị hư hỏng, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, báo cáo hiện trạng an toàn đập hàng năm trước mùa mưa lũ và thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn hồ đập theo các phương án đã được phê duyệt.
Tỉnh cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn về công tác quản lý an toàn hồ chứa, điều chỉnh, bổ sung và phân cấp rõ về quy mô, đặc thù kỹ thuật, cấp quản lý, chế tài kiểm tra xử phạt để các chủ đập, các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời tỉnh cũng quan tâm xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian thông báo trước khi xả lũ ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ít nhất là 24 giờ thay vì 2 giờ như trước đây, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Văn Thông