Sống ở chốn đô thành khá lâu nhưng ký ức về những đám cưới quê mùa nơi chôn nhau cắt rốn luôn sống mãi trong tôi, bây giờ thật khó tìm lại được.
Quê tôi nghèo nhưng rất dư dả các loại cây đủng đỉnh, chuối và dừa nên chuyện làm rạp cho hai họ rất thuận tiện. Trước đám cưới vài ngày, bọn con trai kéo nhau tới chuẩn bị nơi đón khách. Đám thì bơi xuồng sang nhà hàng xóm để mượn bàn, ghế (khi mượn phải đem theo cục phấn làm dấu để khi trả khỏi lẫn lộn dễ “ mích lòng”). Đám thì tước lá dừa, bẹ chuối, đủng đỉnh làm nhà khách, nóc thường bằng lá dừa hay phủ bạt ni lông, cửa rạp có rèm vải màu sắc rực rỡ. Riêng bông đủng đỉnh thường trang trí cho cổng chào và bảng vu qui hay tân hôn. Đám khác chuẩn bị lau chùi các đèn “măng xông”, chuẩn bị các bình ác qui phục vụ ánh sáng. Nhà khá giả hơn thì đi mướn máy nổ thắp đèn cho rôm rả, nở mày nở mặt với thiên hạ. Đám con gái thì phụ người lớn xay bột, làm bánh hỏi, làm bún, nướng bánh kẹp, làm bánh bông lan, làm gà vịt và chuẩn bị các thức ăn khác. Cánh đàn ông thì chẻ củi, chuẩn bị mần heo, thường thì lấy đầu và lòng để đãi khách tới “dọn” vào đêm nhóm họ.
Đêm nhóm họ quê tôi mới thật rộn ràng, nhộn nhịp làm sao. Từ lúc chạng vạng tối đã có khách đến chơi. Vậy là trà, bánh đem ra phục vụ. Người thì nói chuyện rôm rả, người thì đánh cờ tướng, người thì đánh bài tiến lên, Cát Tê, cào “dùa”, xì phé... Người lớn tuổi thường đánh bài tứ sắc, “chến”... Vui nhất là sự xuất hiện của các gánh đờn ca “bồ tèo” cây nhà lá vườn với đủ các loại nhạc cụ như: Dàn trống, âm li, loa thùng, micờrô, đờn “pát”, đờn ghi ta “xô lô”, đờn vọng cổ (chưa có đàn “ọc gan” như bây giờ)... với các diễn viên không chuyên. Về khuya, cháo được mang ra đãi khách trong tiếng nhạc xập xình náo nhiệt. Ngoài sân, nhiều đôi trai gái tranh thủ chuyện trò thủ thỉ tâm tình. Khi đã ngà ngà say cũng là lúc khách tới chơi hò hát thoả thích. Chỉ tội nghiệp cho mấy chàng nhạc công đang lắc đầu ngao ngán vì đa số “hát sỹ bất đắc dĩ ” không rành nhịp điệu, không biết bắt “tông” bài hát nên ai hát cứ hát, ai đờn cứ đờn. Khi đêm đã khuya, khách lần lượt kéo nhau về trên những chiếc xuồng, ghe, chỉ còn lại những người thân thích trong gia đình cô dâu hay chú rể.
Ngày đãi khách mới thực sự quan trọng. Vì vậy chủ gia phải lựa chọn “dân dọn” nhanh lẹ, gọn gàng, quan sát tốt, đặc biệt là phải có tửu lượng mạnh để đủ sức “ tiếp khách”. Thực đơn được dán trên các cây cột xung quanh rạp. Xưa không có bia như bây giờ nên chỉ đãi rượu trắng. Ngoài các món ăn thông thường như: Đồ nguội, chả giò, bánh mỳ, gà hay vịt tiềm, bao giờ cũng có món lẩu hay cù lao và cơm chiên Dương Châu, tráng miệng bằng trái cây, chè, kem hay rau câu. Để không khí rôm rả, nhà khá giả tiếp tục thuê dàn nhạc phục vụ, gia đình nào không có điều kiện thì chọn giải pháp mở băng cátsét cho đỡ hao tốn.
Nếu là đàng gái, thì sau khi đãi khách, đêm đó gia đình tổ chức lạy xuất giá cho cô dâu. Từng thành viên trong gia đình họ tộc từ vai lớn đến vai nhỏ tặng quà cho cô dâu tùy theo khả năng của mình. Khâu “quan trọng chiến lược” là việc lên danh sách đoàn đưa dâu phải tính toán chi li. Một là đúng với số người đàng trai cho phép. Hai là lựa người làm trưởng tộc ăn nói có bản lĩnh, khuôn phép, rành luật. Ba là đám thanh niên phải “nhậu thiệt cứng”, thanh nữ phải xinh đẹp.
Tôi nhớ nhiều lần đi đám cưới quê tôi, gặp lúc nước ròng, ghe không cặp bến được, vậy là cả họ đàng trai xắn quần lội sình lên nhà đàng gái cho kịp giờ làm lễ. Khi rước dâu chú rễ bận áo dài khăn đống còn phải cõng cô dâu cũng áo dài đội mấn hẳn hoi xuống ghe khá vất vả. Vui nhất là cuộc chiến “ đấu rượu” giữa hai họ không ai chịu thua ai. Thế là có người ói ra mật xanh, người khác thì té tại bàn ăn, có người được cõng hay “ kè” về vì đi không vững. Thường thì đàng trai “rượt rượu” đàng gái đến khi xuống ghe mới thôi.
Đám cưới thị thành giờ đơn giản nhiều hơn. Đa số tổ chức ở nhà hàng cho đỡ công dọn dẹp và chuẩn bị các khâu tổ chức. Hoành tráng, sang trọng, tiện lợi thì có đó nhưng với tôi sao vẫn thấy hụt hẫng. Tôi mong ước được sống lại tuổi thơ, để lại có mặt trong những đám cưới nhà quê chân chất nhưng đầm ấm nghĩa tình của bạn bè, của bà con lối xóm
Phương Anh