Chính phủ Myanmar và lực lượng phiến quân mang tên Tổ chức Độc lập Kachin ngày 4/2 bắt đầu cuộc hòa đàm dưới sự trung gian của Trung Quốc, nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện, chấm dứt cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Đông Nam Á này.
Phiến quân Kachin bảo vệ một đỉnh đồi tại thị trấn Laiza, Myanmar. Ảnh: Internet. |
Theo nguồn tin có mặt tại cuộc họp, phái đoàn chính phủ do Chánh Văn phòng Tổng thống Aung Min dẫn đầu đã có cuộc gặp với các thủ lĩnh Tổ chức Độc lập Kachin (KIO), nhánh chính trị của Quân đội Độc lập Kachin (KIA), tại thị trấn Ruili ở biên giới Trung Quốc. Cuộc gặp còn có sự tham gia của một số quan chức cấp cao Trung Quốc với vai trò trung gian.
Nguồn tin cho biết cuộc đàm phán giữa hai bên kéo dài trong nhiều giờ và kết quả được cho là khả quan khi có sự tham gia của đại diện Chính phủ Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng xác nhận cuộc gặp trên, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên.
Kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài 17 năm giữa Chính phủ Myanmar và KIA tại Kachin đổ vỡ vào tháng 6/2011, đã có hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. Mặc dù đã trải qua hàng chục vòng đàm phán kể từ đó đến nay, song hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào. Tháng trước, Chính phủ Myanmar đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn tại Kachin, song tình hình bạo lực vẫn tiếp tục tái diễn.
Đến nay, Chính phủ Myanmar đã ký thỏa thuận ngừng bắn với 10 nhóm phiến quân trong nước, trong đó có nhóm vũ trang sắc tộc Liên minh Dân tộc Karen (KNU), nhóm đối đầu với chính phủ kể từ năm 1949 tới nay, và hiện KIA là nhóm duy nhất còn đang trong quá trình đàm phán.
TTXVN/Tin Tức