Đàm phán nợ giữa Hy Lạp với IMF và EU rơi vào bế tắc

Ngày 11/6, cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp tại Brussels (Bỉ) rơi vào bế tắc khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bất ngờ rút phái đoàn đàm phán do quá nhiều bất đồng, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Athens phải chấm dứt "trò đánh bạc may rủi" kéo dài 5 tháng qua khi mà quốc gia này đang cận kề nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone).

Phát biểu với báo giới từ Washington, người phát ngôn IMF Gerry Rice tuyên bố giữa các bên vẫn tồn tại những bất đồng quá lớn trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, và các cuộc đàm phán vừa qua không giúp thu hẹp được sự khác biệt. Vì vậy, khả năng đạt được thỏa thuận tiếp tục giải ngân cho Hy Lạp khoản cuối cùng 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ tổng thể trị giá 240 tỷ euro là rất xa vời.

Toàn cảnh cuộc họp giữa Chính phủ Hy Lạp với bộ ba chủ nợ gồm IMF, EU và ECB. Ảnh: AFP/ TTXVN


Cho đến nay, những bất đồng lớn nhất vẫn xoay quanh vấn đề lương hưu, thuế và vốn. Theo IMF, cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ đồng hồ giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker và đại diện IMF không thể mang lại kết quả do Athens vẫn khăng khăng với chính sách chống "thắt lưng buộc bụng". Đại diện IMF nêu rõ với quan điểm như vậy, Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được các khoản nợ đã được ra hạn đến cuối tháng này. Tuy nhiên, người phát ngôn IMF nhấn mạnh dù rút phái đoàn đàm phán về Washington, định chế tài chính này không có ý định từ bỏ đàm phán và sẽ tiếp tục tiến trình trên với Athens.

Trong khi đó, Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo Chính phủ Hy Lạp "không còn thời gian cho trò đánh bạc may rủi" và Athens cần phải thực tế hơn. Theo ông, điều rõ ràng là đã tới lúc các bên cần có quyết định chứ không phải ngồi thương lượng.

Về phần mình, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực để giải quyết những bất đồng với IMF và EU nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng cho phép nước này nhận được khoản cứu trợ mang tính quyết định vào thời điểm hiện tại.

Diễn biến trên xảy ra sau khi cuộc thương lượng giữa lãnh đạo ba nước Hy Lạp, Đức và Pháp về vấn đề này cũng đã kết thúc ngày 11/6 mà không đạt được kết quả. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ nhiều tháng nay luôn nỗ lực hành động nhằm giữ Hy Lạp ở lại trong Eurozone, song vào lúc này, nhà lãnh đạo Đức không thể bác bỏ khả năng phá sản của Hy Lạp và đang phải tính tới phương án Athens rời khỏi Eurozone. Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Đức (Bundesbank) Jens Weidmann cảnh báo, nguy cơ phá sản của Hy Lạp ngày càng lớn dù quyết tâm cứu Hy Lạp là không nhỏ, song thời gian đã sắp cạn. Cơ hội cuối cùng cho Athens sẽ là ngày 18/6 tới khi các bộ trưởng tài chính Eurozone họp ở Brussels và ra quyết định về trường hợp của nước này.

Chính phủ của ông Tsipras lên cầm quyền hồi đầu năm với cam kết chấm dứt cuộc khủng hoảng do 5 năm "thắt lưng buộc bụng" gây ra. Tuy nhiên, các chủ nợ cho đến nay vẫn từ chối giải ngân phần cứu trợ nói trên, sẽ hết hiệu lực thanh toán vào cuối tháng này sau 2 lần gia hạn tính từ năm ngoái, trong bối cảnh Athens không còn khả năng thanh toán cho IMF và EU trong mùa Hè này.


TTXVN/Tin Tức
EU và Hy Lạp đang chơi trò gì?
EU và Hy Lạp đang chơi trò gì?

Thế bế tắc giữa Athens và các chủ nợ quốc tế về cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn chưa có lối thoát. Ẩn sau đó là những tính toán của các bên liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN