Đến bản Pà Háng, xã Pà Cò, già bản Sùng A Lứ vừa đi làm nương về. Năm nay đã 79 tuổi, nhưng ông Lứ còn khỏe mạnh, minh mẫn. Sau 23 năm gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Nâng chén trà San tuyết thơm ngọt, ông Lứ bồi hồi nhắc lại chuyện cũ. Vào cuối năm 1993, khi còn đương chức Phó Chủ tịch HĐND huyện, ông Lứ rủ nhà báo về thăm nhà, thăm bản khi đồng bào nghe theo lời Đảng vừa nhổ sạch cây thuốc phiện. Ngày ấy, đường ô tô chưa đến xã, chúng tôi phải cưỡi chiếc xe máy Sim Sơn ì ạch leo dốc dựng đứng, lởm chởm đá gan gà. Đêm ấy, gia đình ông mở ti vi đen trắng, chạy điện bình ắc quy, lần đầu tiên bắt được sóng truyền hình Tam Đảo. Thật vui như Tết, cả bản kéo đến xem cái tiếng, cái hình của Chính phủ tỏa đến rẻo cao này.
Trường mầm non bản Pà Háng, xã Pà Cò huy động được 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi. |
Là nhân chứng sống của vùng đất trước kia vốn là lãnh địa của cây thuốc phiện, với hơn 500 ha cây anh túc đã được triệt phá, ông Sùng A Lứ đau đáu nỗi niềm về hiểm họa mà nó mang lại. Hai xã Hang Kia, Pà Cò đã từng là điểm nóng về tệ nạn buôn bán ma túy với hàng chục đối tượng mang án tử hình và chung thân. Trong cuộc chiến không khoan nhượng với “cái chết trắng” trên vùng đất này, máu và nước mắt của các lực lượng phòng chống ma túy đã đổ. Ngày 5/2/2010, trong khi vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua (sinh năm 1956, tại bản Hang Kia), y đã xả súng khiến ba sỹ quan, chiến sĩ công an hy sinh, một số chiến sĩ khác bị thương. Đáng lo ngại là tội phạm ma túy đã làm cho hệ thống chính trị suy yếu do con em, người thân và ngay cả một số cán bộ chính quyền, đảng viên cũng tham gia buôn bán ma túy.
Bí thư Huyện ủy Mai Châu Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: Xuất phát từ tình hình thực tế khó khăn, phức tạp ở hai xã vùng cao đặc biệt khó khăn này, Huyện ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Đề án 03 - ĐA/TU, ngày 14/10/2010 về “Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”.
Một góc bản Chà Đáy, xã Pà Cò. |
Theo đó, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm 24 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ở hai xã; rà soát, bố trí lại số cán bộ chủ chốt có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực điều hành công tác và vận động quần chúng; trong đó, chú trọng kiện toàn chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường thêm mỗi xã một đồng chí Phó Chủ tịch UBND - người dân tộc Mông và là sỹ quan của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Các đồng chí được điều động, tăng cường về xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Qua 5 năm triển khai Đề án 03, số cán bộ ở xã Hang Kia có trình độ chuyên môn được đào tạo chiếm 65%, xã Pà Cò có 71,4%. Những “ Hạt giống đỏ” ở vùng cao đã ươm mầm xanh tốt. Đảng viên trẻ Khà A Lau 32 tuổi, tốt nghiệp đại học tiếp tục được giao trọng trách Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia nhiệm kỳ 2015 - 2020 và là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Bí thư Khà A Lau cho biết: Đến nay, Đảng bộ xã đã có 114 đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ, tăng hơn 30 đảng viên so với năm 2010. Đảng bộ xã 3 năm đạt trong sạch vững mạnh, 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ còn 2,3%. Ở xã Pà Cò, bình quân trong 5 năm, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 91,6%; đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 1,3%.
Đánh giá bước chuyển mới ở “điểm nóng” Hang Kia, Pà Cò, ông Hà Phúc Ằng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho hay: Trước kia nhiều chi bộ xóm họp, không có ai phát biểu ý kiến, lúc thông qua Nghị quyết Đảng, tất cả đảng viên đều giơ tay biểu quyết, nhưng khi thực hiện thì chẳng ai làm. Nay tình hình đã khác, sinh hoạt đảng đã đi vào nền nếp. Các gia đình đảng viên gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động thu hồi vũ khí, chất nổ; không tàng trữ và buôn bán ma túy; chống tảo hôn, dần tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Hai xã Hang Kia, Pà Cò đã vận động thu hồi được 228 khẩu súng tự chế và súng quân dụng, vận động được 16/19 đối tượng bị truy nã về ma túy ra đầu thú, từ đó làm giảm các điều kiện phạm tội. Đặc biệt, hai xã đã vận động được 36 người Mông đi cai nghiện ma túy; có trường hợp vợ chồng Vàng Y Sáng và Khà Y Sáng ở xóm Hang Kia I, đều trên 60 tuổi, nghiện ma túy trên 30 năm đã cai nghiện thành công, thuyết phục hai người con trai đi cai nghiện tập trung.
Cùng với việc củng cố hệ thống chính trị, hai xã đã được phân bổ, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất với tổng số vốn thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 là 70 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng hai xã có bước phát triển khá, các tuyến đường liên xã được đầu tư, nâng cấp, bê tông hóa; hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt đảm bảo. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng cho nhân dân hai xã phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống người dân. Đồng bào ở xóm Hang Kia 1, Hang Kia 2 đã biết tận dụng nguồn nước sẵn có để đầu tư, cải tạo một phần diện tích đất bị bỏ hoang để trồng cấy lúa nước, bước đầu hình thành tư duy mới mà trước đây chưa từng xuất hiện trong lối canh tác, sản xuất của đồng bào Mông.
Xã Hang Kia có một số mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình chăn nuôi gà, bò bản địa, chăn nuôi lợn nái sinh sản, trồng xoan lai... Tiêu biểu như gia đình Vàng A Cấu xóm Pà Khôm, Khà A Hờ ở Thung Ằng, gia đình Sùng A Dếnh xóm Thung Mặn có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Xã Pà Cò có Sùng A Pha, Bí thư Chi bộ xóm Chà Đáy đi tiên phong trong trồng chè tuyết và cây ăn quả cho thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm từ 39% xuống còn 21%, xã Hang Kia giữ mức 36%.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông được các cấp, các ngành quan tâm. Phong trào thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ... cũng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay, tại các xóm của hai xã đều tổ chức các đội văn nghệ và đội bóng đá, thường xuyên hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Sở Thông tin và Truyền thông đã lắp đặt tại mỗi xã 1 phòng máy tính, giúp cho đồng bào cập nhập nhanh nhất thông tin trên các lĩnh vực. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai tích cực. 100% hộ gia đình tại các xóm cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán ma túy; không có con em bỏ học, mê tín dị đoan và bảo đảm an toàn giao thông. Từ năm học 2010 đến nay, có 102 học sinh của hai xã thi đỗ và được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Trạm Y tế hai xã được đầu tư xây dựng mới theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ y tế và cán bộ y, bác sỹ; phối hợp với nhiều đoàn cán bộ y tế trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế đến thăm, khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân.
Chia tay Hang Kia, Pà Cò, chúng tôi tâm đắc với lời bộc bạch chân tình của ông Sùng A Lứ: "Ma túy từng hủy hoại cuộc sống của dân, làm tê liệt cán bộ; nay Tỉnh ủy có riêng đề án 03 cho hai xã Hang Kia, Pà Cò, đúng là Đảng lại về với người Mông ta rồi đó, mình mừng lắm, dân phấn khởi lắm".
Tuy vậy, theo đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 03: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu và các ngành, các cấp liên quan cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện theo Kết luận số 20 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Đề án số 03 - ĐA/TU phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, thành viên Ban chỉ đạo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Đặc biệt là tham gia phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò. Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh với các loại tội phạm nhất là tội phạm ma túy; tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hai xã Hang Kia, Pà Cò; xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ kế cận có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và lâu dài.