Ngày 21/11, trung tâm thủ đô Ten Avíp đã rung chuyển bởi một vụ đánh bom xe buýt làm 17 người bị thương ở gần tòa nhà Bộ Quốc phòng Ixraen. Vụ nổ xảy ra trong thời điểm cả Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton liên tục có các chuyến đi ngoại giao con thoi giữa Jerusalem và Ramallah nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu này.
Hiện trường vụ đánh bom ở trung tâm Ten Avíp ngày 21/11/2012. |
Mỹ ngay lập tức lên án vụ đánh xe bom tại Ten Avíp và coi đây là một “vụ tấn công khủng bố” nhằm phá hoại những nỗ lực trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Trong một tuyên bố chính thức, Nhà Trắng gọi những vụ tấn công chống lại thường dân Ixraen là “hết sức tàn bạo”, và tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh Ixraen. Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án vụ đánh bom này là “hành động tội phạm khủng bố” và nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Gaza.
Vụ nổ tại trung tâm Ten Avíp xảy ra khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có mặt tại Ixraen để thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu về giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Gaza từ suốt một tuần qua. Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vụ nã tên lửa vào lãnh thổ Gaza sau khi có cuộc họp với Tổng thống Palextin, Mahmud Abbas.
Từ đêm 20/11, bất chấp các nỗ lực trung gian hòa giải và sức ép của cộng đồng quốc tế, quân đội Ixraen đã liên tục không kích hơn 100 mục tiêu - khoảng một nửa trong số đó là các hệ thống phóng rốckét ngầm, tòa nhà Bộ An ninh nội địa và đồn cảnh sát - trên toàn lãnh thổ Gaza. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Palextin đã bắn bốn quả rốckét từ Gaza vào miền nam Ixraen, chưa kể hai quả rốckét bị hệ thống phòng không Ixraen đánh chặn. Theo hãng tin AFP, tòa nhà đặt văn phòng thường trú của hãng này ở Gaza đã hai lần bị trúng tên lửa trong ngày 21/11 làm một trẻ em thiệt mạng nhưng không có phóng viên nào bị thương vong.
Sau một tuần xung đột đẫm máu, khoảng 140 người Palextin đã thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Ixraen vào Dải Gaza. Đáp lại, các nhóm vũ trang Palextin đã bắn hơn 1.200 tên lửa và rốckét vào Ixraen, làm một người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza lần đầu tiên được Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đề cập trong ngày 20/11 khi tuyên bố hành động "xâm lược" của Ixraen tại Gaza sẽ kết thúc vào ngày 21/11, đồng thời cho biết các nỗ lực trung gian của Cairô nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Palextin và Ixraen sẽ có kết quả tích cực "trong vài giờ tới".
Tuy nhiên, ông Sami Abu Zuhri, phát ngôn viên của Phong trào Hồi giáo Hamas ở Palextin, ngày 21/11 xác nhận phong trào này vẫn chưa nhận được câu trả lời của Ixraen về đề xuất ngừng bắn. Người phát ngôn của chính phủ Ixraen, Mark Regev cùng ngày tuyên bố vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã yêu cầu ban lãnh đạo Hamas phải lựa chọn giữa hòa bình và "thanh kiếm".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã xác nhận nước này đã gửi viện trợ quân sự cho phong trào Hamas tại Gaza, đồng thời hối thúc các nước Arập noi gương Iran. Phản ứng trước động thái này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 21/11 cho rằng Iran phải chịu "trách nhiệm lớn" trước các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt tại Dải Gaza. Ông Fabius khẳng định: "Nhiều vũ khí tầm xa tới 75 km được phát hiện thấy ở Gaza và chúng đều là của Iran nên Têhêran phải chịu trách nhiệm nặng nề".
Hồng Hạnh - T.L (tổng hợp)