Đánh giá công chức là khâu quan trọng trong quản lý, sử dụng công chức nhằm đạt tới những mục tiêu của nền hành chính. Tuy nhiên, việc đánh giá công chức hiện nay vẫn mang tính hình thức, chưa phân biệt được làm tốt và người làm chưa tốt dẫn đến chưa tạo động lực cho công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tại hội thảo “Đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” tổ chức ngày 3/12.
“Nếu tốt cả đã không cần cải cách”
Theo ông Hoàng Xuân Đảm, Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ, việc đánh giá đối với cán bộ được thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản của Đảng; việc đánh giá đối với viên chức thực hiện quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo kết quả báo cáo của các bộ, ngành, địa phương năm 2013, trong tổng số hơn 530.000 công chức được đánh giá, phân loại thì có tới 92,58% công chức có mức độ hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ, chỉ có khoảng 5,66% công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực và công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thừa nhận, kết quả phân loại như vậy là thiếu thuyết phục. “Nếu tất cả đều tốt, tỉ lệ hoàn thành xuất sắc và tốt luôn cao thì đâu cần cải cách nữa", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lý giải về con số này, đại diện Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng đó là do phương pháp đánh giá thông qua lấy ý kiến của công chức trong cùng cơ quan, đơn vị luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan và tình trạng các mối quan hệ cá nhân, không thể tránh được nể nang, dĩ hòa vi quý. Trong khi đó, vai trò của người đứng đầu, là người giao nhiệm vụ và nắm rõ nhất tình hình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức lại chưa được phát huy.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quý Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, tìm được công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi bộ máy là rất khó bởi các tiêu chí đánh giá còn chung chung, chưa gắn với từng vị trí việc làm và từng công chức, chưa chú trọng đến kết quả, trách nhiệm thực hiện công vụ, nhiệm vụ của công chức.
Quy định cụ thể các tiêu chí
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của UNDP Việt Nam đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức mà quy trình đánh giá hiện hành chưa đề cập đến. Đó là đầu vào của công chức. Một nửa số người được hỏi cho rằng để xin việc trong lĩnh vực công thì có "thân quen" là quan trọng và rất quan trọng, gần 30% cho rằng không thể tránh khỏi phải hối lộ. Bên cạnh đó là tình trạng “chân trong, chân ngoài” trong khu vực Nhà nước. Kết quả khảo sát lực lượng lao động năm 2009 cho thấy có khoảng 14,4% lao động trong khu vực Nhà nước có từ hai việc làm trở lên. Theo ông Jairo Acuna Alfaro, nguyên nhân là do tiền lương không đủ sống. “Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công chức nên cần được quan tâm và xem xét đầy đủ”, đại diện UNDP nhấn mạnh.
Từ thực tế này, ông Jairo Acuna Alfaro kiến nghị đánh giá công chức cần xem xét trách nhiệm giải trình và thông tin, hiểu biết của công chức. Theo đó, công chức, viên chức cần được trang bị đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục cần để họ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình ở từng công đoạn. Bên cạnh đó, công chức cũng cần phải chịu trách nhiệm giải trình về hành vi, thái độ ứng xử với người dân. “Cần có sự tham gia của người dân vào các quy trình chính sách thông qua cơ chế “phản biện xã hội” để người dân có thể phản ánh về trải nghiệm và mong đợi của mình đối với dịch vụ của chính quyền các cấp”, đại diện UNDP đề xuất.
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về cán bộ công chức, viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ đang trình Chính phủ Nghị định về đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức. “Tiêu chí đánh giá tạo điều kiện tránh sự nể nang, dĩ hòa vi quý. Trong Dự thảo Nghị định này chúng tôi cũng đưa ra những tiêu chí đối với người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đưa ra hàng loạt hệ thống tiêu chí để xác định những người không làm được việc, hạn chế về năng lực hoặc lười biếng, không chấp hành kỷ luật tốt. Cứ bị 1 tiêu chí trong số các tiêu chí đó thì xác định đó là người không hoàn thành nhiệm vụ”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thu Phương