Dấu ấn người lính cụ Hồ ở biên giới Bù Gia Mập - Bài 1: Sức sống mới ở Tiểu khu 119

Cùng với công tác sẵn sàng chiến đấu, phát triển kinh tế ở vùng biên giới huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, hơn 15 năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 của Quân khu 7 đã trở thành lực lượng xung kích trong công tác dân vận, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị của địa phương nơi đóng quân.

Chú thích ảnh
Tiểu khu 119 hướng đến trở thành khu dân cư văn hóa, kiểu mẫu nơi biên giới. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Bài 1: Sức sống mới ở Tiểu khu 119

Từ một vùng đất hoang hóa, khô cằn, cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Đoàn 778) đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng thành một khu dân cư, được quy hoạch bài bản với đầy đủ cơ sở hạ tầng để đưa các hộ dân tộc S’tiêng vốn sống du canh du cư về an cư. Qua sự kiên trì, nỗ lực của những người lính Đoàn 778, đến nay khu dân cư này đã là nơi “an cư, lạc nghiệp” của 130 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc S’tiêng. Khu dân cư này được gọi thân thương là Tiểu khu 119, thuộc thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Từ hiện thực ước mơ an cư...

Đưa chúng tôi đi thăm các hộ dân tại Tiểu khu 119, Trung tá Nguyễn Văn Chinh - Phòng Chính trị Đoàn 778 thông tin: Hiện Tiểu khu có 130 nhà, trong đó có 120 nhà do Đoàn 778 xây dựng, còn 10 nhà do địa phương vận động và người dân tự xây. Về cơ cấu dân cư, Tiểu khu 119 gồm 80 hộ đồng bào S’tiêng, 30 hộ Việt kiều từ Campuchia, còn lại là các hộ chính sách, khó khăn.

Chú thích ảnh
Trung tá Nguyễn Văn Chinh, phòng Chính trị Đoàn 778 thăm hỏi, động viên đồng bào S’tiêng sống trong Tiểu khu 119. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Trung tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ: Hầu hết các hộ đồng bào S’tiêng trước kia sinh sống du canh du cư ven suối, năm 2014 Đoàn vận động đã được 15 hộ đầu tiên, tiếp đó hơn 40 hộ, tới năm 2016 đã đưa được tổng cộng 80 hộ về Tiểu khu 119. Để đưa đồng bào từ dưới suối, trong rừng về ở đây là cả một quá trình dài “đeo bám”, kiên trì vận động của cán bộ, chiến sỹ. Nhiều đợt cán bộ, chiến sỹ phải xuống ăn ở, sinh hoạt cả tháng trời với đồng bào.

Gia đình bà Thị Srơ, dân tộc S’tiêng trước đây không có đất đai, nhà cửa, sống du canh du cư. Đến năm 2017, được bộ đội đưa về, cấp nhà ở Tiểu khu 119. Có nhà ở, con trai, con dâu cũng được vận động, tích cực làm ăn hơn, không còn tụ tập nhậu suốt ngày như trước kia.

Chú thích ảnh
Cán bộ Đoàn 778 và ông Điểu Đé (giữa) Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn thăm hỏi bà con sống ở Tiểu khu 119. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Với nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, được nhận nhà kiên cố ở Tiểu khu 119 như là “giấc mơ” đã thành hiện thực. Gia đình bà Thị Thốt, dân tộc S'tiêng, trước kia ở thôn 3, xã Phú Văn, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Thị Thốt và các con ở căn nhà tạm bợ làm bằng cây lồ ô, vách tre luôn bị dột mỗi khi mùa mưa về. Thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ cạo mủ cao su, cạo vỏ lụa điều, đến mùa lại đi nhặt hạt điều tươi thuê. Bà Thị Thốt cho biết: Cuộc sống gia đình khó khăn lắm, ăn không đủ no, ngày nào lo cho ngày đó. Hiện tại mẹ con bà chỉ đi làm thuê. Có được căn nhà kiên cố, tôi và các con mừng lắm. Gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn, chăn nuôi thêm tại nơi ở mới để cuộc sống ổn định hơn.

Gia đình ông Nông Xuân Báo (43 tuổi), dân tộc Tày phấn khởi khi tận tay nhận quyết định sở hữu căn nhà "mơ ước" mà gia đình chưa bao giờ nghĩ tới. Ông Nông Xuân Báo vui mừng: Trước kia gia đình ở nhà thuê rất bất tiện. Điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ đi làm thuê nên gia đình tôi không có tiền làm nhà, mua đất. Nhờ chính quyền các cấp quan tâm, gia đình tôi có nhà ở kiên cố. Tôi sẽ cố gắng làm ăn và chăn nuôi thêm để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Chú thích ảnh
Đường giao thông trong Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, (Bù Gia Mập, Bình Phước) được bê tông hóa. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của Tiểu khu 119 tương đối hoàn chỉnh gồm đường giao thông được bê tông hóa, điện lưới quốc gia, nước sạch, đèn chiếu sáng… Theo Trung tá Nguyễn Văn Chinh, Đoàn 778 khảo sát thiết kế và khoan đào các giếng nước cấp máy hút nước, giao cho các nhóm hộ gia đình tự quản lý. Năm 2015, Đoàn triển khai cấp bò giống cho đồng bào, đến nay đã có hộ gia đình phát triển lên tới 4 con. Đoàn đang xây dựng, bê tông hóa hệ thống đường giao thông trong Tiểu khu 119.

Đến nỗ lực lạc nghiệp cho đồng bào

Có thể nói, việc vận động được đồng bào dân tộc S’tiêng vào ở trong khu tái định cư là một thành công rất lớn của Đoàn 778. Kiên trì đưa được đồng bào về an cư, rồi làm sao để đồng bào lạc nghiệp, gắn bó với nơi ở mới luôn là bài toán khó đối với cán bộ, chiến sỹ Đoàn 778. 

Chú thích ảnh
 Tiểu khu 119 được Đoàn 778 đầu tư, thiết kế, xây dựng để thực hiện tái định cư cho đồng bào S'tiêng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Theo Đại tá Đặng Công Bầu, đó là công việc “vô cùng gian nan, vất vả”, bởi đồng bào S’tiêng có thói quen sống quần thể nên ngại thay đổi. Khắc phục điều này, Đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đầu mối. Cụ thể, đoàn đảm nhiệm việc xây nhà, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, còn địa phương kéo điện, xây nhà máy nước, tạo quỹ đất cho bà con. Để bà con có cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, Đoàn còn phối hợp các ban, ngành, địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất như trồng cao su, hồ tiêu, chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, trồng cây ăn trái, rau sạch... Những hộ thiếu việc làm, Đoàn bố trí vào làm công nhân hợp đồng trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su.

Gắn bó với đồng bào hơn 6 năm qua, Trung tá Nguyễn Văn Chinh cho biết: Tạo thay đổi trong cách nghĩ của bà con cần có sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sỹ cũng như chính quyền địa phương. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ Đoàn thường xuyên đi xuống các điểm dân cư, thực hiện 3 bám (bám dân, bám bản, bám địa bàn), 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó xây dựng phương án củng cố, phát triển bản, làng. Quán triệt phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, các tổ, đội sản xuất của Đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả.

Ông Điểu Đế, Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn (xã Phú Nghĩa) cho biết: Những việc làm của Đoàn 778 góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào S’tiêng trong thôn Hai Căn, nhất là ở Tiểu khu 119. Về đây, đồng bào được cấp nhà, đất và được hướng dẫn cách làm ăn, sản xuất để gây dựng cuộc sống ổn định. Từ đó, an ninh trật tự được đảm bảo, các tệ nạn xã hội, hủ tục cũng từng bước bị loại bỏ, hạn chế.

Chú thích ảnh
Những căn nhà kiên cố được Đoàn 778 vận động kinh phí xây dựng trao tặng cho bà con đồng bào ở Tiểu khu 119. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Đoàn 778 cũng phối hợp với Trường Tiểu học Kim Đồng mở 2 lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc S'tiêng ở Tiểu khu 119 gồm 70 học viên độ tuổi từ 15 – 50, rồi vận động 50 học sinh bỏ học quay lại trường. Đến nay, tình trạng học sinh bỏ học không còn. Đơn vị còn tổ chức học tiếng S’tiêng cho cán bộ, chiến sỹ, mỗi tuần 1 buổi do quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc S’tiêng trong đơn vị đảm nhiệm.

Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa khẳng định, Đoàn 778 là lực lượng chủ công để đưa đồng bào S’tiêng thoát khỏi cuộc sống du canh du cư, cũng như đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.

Bài cuối: Xây chắc thế trận lòng dân

Xuân Khu – Anh Tuấn (TTXVN)
Dấu ấn người lính cụ Hồ ở biên giới Bù Gia Mập - Bài cuối: Xây chắc thế trận lòng dân
Dấu ấn người lính cụ Hồ ở biên giới Bù Gia Mập - Bài cuối: Xây chắc thế trận lòng dân

Từ những việc làm thiết thực, cán bộ chiến sỹ của Đoàn 778 đã góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Gắn bó nhân dân, bám sát địa bàn, vượt mọi khó khăn, đoàn kết quyết thắng”, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN