Một trong những lý do khiến bà mẹ ngừng cho con bú hoặc cho trẻ bú sữa ngoài là do bà mẹ nghĩ mình không đủ sữa, nhưng thực tế là trẻ đã bú đủ số lượng trẻ cần. Qua cơ chế tiết sữa thì hầu hết các bà mẹ đều có thể đủ sữa cho trẻ bú, thậm chí cho cả hai trẻ sinh đôi.
Bà mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết trẻ không nhận đủ sữa mẹ:
*Dấu hiệu chắc chắn:Trẻ tăng cân kém, trong 6 tháng đầu tăng dưới 500g/tháng hoặc 125g/tuần. Đối với trẻ sơ sinh thì trong tuần đầu sau đẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý, nếu trẻ không nhận đủ sữa thì cân của trẻ ở tuần thứ hai nhẹ hơn cân lúc đẻ. Trẻ đi tiểu ít, dưới 6 lần/ngày, nước tiểu cô đặc, màu vàng và nặng mùi.
*Dấu hiệu có thể: Trẻ không hài lòng sau các bữa bú. Trẻ khóc thưòng xuyên. Các bữa bú quá ngắn hoặc quá dài. Trẻ đi ngoài phân rắn. Không có sữa khi bà mẹ cố vắt sữa và sữa không xuống sau đẻ.
Để có nguồn sữa dồi dào cho trẻ ngay trong thời kỳ có thai người mẹ cần được ăn uống đủ chất, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái.
Khi nuôi con bú, trước hết người mẹ cần được ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường. Hằng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, hoặc trứng, một ít rau đậu. Nên ăn thêm quả chín. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.
Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.
Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là cháo, nước quả, sữa... (mỗi ngày khoảng một lít rưỡi đến hai lít).
Ðể sữa được tiết ra một cách thuận lợi, tinh thần người mẹ phải thoải mái, tự tin, tránh những cãng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động, nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.
Ðiều quan trọng để tạo nhiều sữa là cần cho con bú thường xuyên, đúng cách. Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ bú có hiệu quả và tránh làm người mẹ đau rát vú.
Phương Liên (tổng hợp)