Đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất - Bài 1

Hòa Bình có 36 thôn, bản khó khăn nhất, thiếu thốn về hạ tầng, sản xuất nhỏ lẻ manh mún và phụ thuộc vào thiên nhiên; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, có thôn, bản lên đến trên 90%. Trước thực trạng này, tỉnh đã triển khai Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản để từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.


Khi biết chúng tôi có ý định lên xóm Khú, xã Phượng Tiến, bằng xe máy, ông Bạch Công Du, Trưởng phòng dân tộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình khuyên: “Trời mưa thế này, đường trơn trượt, dốc cao các anh không thể lên đó ngay bây giờ được đâu. Nếu chiều nay mưa tạnh, sáng mai cán bộ phòng sẽ đưa lên bằng xe U oát. Loại xe này mới leo lên đó được”.

Rất may, cơn mưa cuối mùa thu đã tạnh ráo, nắng sớm mai trải khắp vùng trung du miền núi. Bác “tài” cứng của Phòng dân tộc cho biết: “Từ trung tâm huyện vào đến xã khoảng 25 km, đường đã được trải nhựa, dễ đi, nhưng từ trung tâm xã vào đến xóm Khú khoảng 7 km, đường đất khó đi lắm, nhiều khúc cua gấp và đèo dốc. Hôm qua trời mưa, hôm nay chắc vẫn bị trơn trượt. Nhưng các anh yên tâm, “con xe” này đã chinh chiến ở những cung đường này nhiều rồi”.

Ông Bùi Văn Chiến Bí thư Chi bộ xóm Khú chuẩn bị cho buổi họp Chi bộ tại nhà văn hóa xóm.

Sau những khó khăn trên đường vào, xóm Khú dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Ngay giữa trung tâm xóm, trên một bãi đất cao là nhà văn hóa xóm, lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng trên thân cây luồng vững chãi. Cách đó không xa, lớp học mầm non và điểm trường tiểu học đã được xây kiên cố. Tiếng các em học trò đánh vần líu lo nhộn cả không gian nơi bìa rừng đặc dụng.

Ông Bùi Văn Chiến, Bí thư Chị bộ xóm Khú, vui mừng cho biết: Xóm Khú đang được đầu tư, hỗ trợ bởi Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, triển khai từ năm 2014 đến nay. Xóm có 36 hộ, 100% là dân tộc Mường. Cách đây gần 2 năm, điện đã được kéo về xóm. Từ đó, đời sống tinh thần của bà con đã được nâng lên, với gần 70% số hộ có ti vi để xem. Đặc biệt là các cháu nhỏ không còn cảnh chong đèn dầu để học bài nữa. Nhiều công trình hạ tầng cũng đã được xây dựng như: Kênh mương thủy lợi đáp ứng trồng lúa được 2 vụ/năm; các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh cung cấp cho các hộ trong xóm và điểm trường...


Có điện, nhiều hộ ở xóm Khú đã sắm phương tiện nghe nhìn.

“Do đất canh tác của xóm chỉ có 11ha/30 hộ, nên thiếu ăn giáp hạt thường từ 3 - 4 tháng. Cũng vì thế, những lúc nông nhàn, thanh niên trong xóm tự đi tìm việc làm thuê ở những nơi khác, chủ yếu lao động chân tay, nên thu nhập không cao, chỉ đủ ăn, khi về đến nhà là cũng không còn đồng nào. Nhờ các chính sách của Nhà nước, người dân đã được giao khoán trồng rừng, trong đó chủ yếu trồng cây luồng, với gần 40 ha, nên cũng có thu nhập từ măng và bán luồng. Nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn cũng từ đây mà phát triển. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn trước nhiều rồi. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm đáng kể, năm 2014 là 30 hộ, nay còn 26 hộ”, Bí thư Chiến cho biết.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Văn Dực: Từ khi thực hiện Đề án tại 36 thôn, bản đến nay, các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả phục vụ dân sinh, kinh tế xã hội tại cơ sở thôn bản; các mô hình sản xuất đã bước đầu có hiệu quả kinh tế làm tăng thu nhập của người dân; tỷ lệ hộ nghèo chung của 36 thôn, bản giảm từ 60,9% đến nay xuống còn 45,6%. Đề án cũng đã góp phần giúp đồng bào ổn định tư tưởng, yên tâm sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bài 2: Đề án đúng, hiệu quả cao
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Lai Châu giảm nghèo nhanh ở các huyện khó khăn
Lai Châu giảm nghèo nhanh ở các huyện khó khăn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo giai đoạn 2008 - 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều giảm vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN