Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Cập nhật kỹ thuật về những bằng chứng, mô hình và cách tiếp cận phù hợp để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 10/3, tại Hà Nội, đã diễn ra "Hội thảo cập nhật kỹ thuật về dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)", một công cụ y sinh có triển vọng trong dự phòng HIV, Hội thảo do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế và PATH- một tổ chức y tế toàn cầu, đồng chủ trì; với sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).


Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), nhấn mạnh: Đây là cơ hội cho các bên liên quan xem xét các bằng chứng mới nhất về PrEP và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công trên thế giới. 


Các diễn giả phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Phan Thị Thu Hương, thực hiện “Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016: Định hướng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)”, Việt Nam sẽ triển khai các can thiệp có hiệu quả nhất và tác động lớn đến giảm nhiễm mới và giảm tử vong do AIDS như tăng cường biện pháp dự phòng phối hợp có hiệu quả: can thiệp giảm tác hại, truyền thông có chủ đích, xét nghiệm và điều trị; phân cấp, lồng ghép và sự tham gia của cộng đồng để thúc đẩy chẩn đoán sớm và điều trị ngay cho các trường hợp nhiễm HIV; tăng cường hiệu quả kết nối giữa dự phòng, xét nghiệm và điều trị...

Dự phòng trước phơi nhiễm (thường được biết với thuật ngữ PrEP) là việc những người không có HIV sử dụng thuốc kháng virút HIV để dự phòng lây nhiễm HIV. Nếu sử dụng đúng cách, bằng chứng lâm sàng cho thấy việc sử dụng PrEP có hiệu quả cao và an toàn. Hiện nay, PrEP được chấp thuận sử dụng như một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Thái Lan, Brazil và nhiều quốc gia khác. Phương pháp này cũng đã từng được thử nghiệm thành công tại nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.


Mục tiêu của chương trình là nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.Cụ thể, đến năm 2020 sẽ giảm 80% số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy so với năm 2010; giảm 80% số trường hợp nhiễm mới HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục so với năm 2010; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%. Bên cạnh đó, đảm bảo 80% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS; 80% người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.


Tại hội thảo, TS Kimberly Green, Tổ chức PATH, đã trình bày tóm tắt các bằng chứng quốc tế mới nhất liên quan đến việc triển khai PrEP; TS Donn Colby, Hội Chữ Thập Đỏ Thái Lan, cũng có bài trình bày chia sẻ bài học kinh nghiệm về áp dụng PrEP tại Thái Lan cho nhóm nam giới quan hệ tình dục với nam giới (MSM) và phụ nữ chuyển giới.


Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, đã trình bày tổng quan về các hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới và các khuyến nghị khi sử dụng PrEP. TS Nguyễn Thị Thúy Vân nhấn mạnh: Trong năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả nam giới quan hệ tình dục với nam giới nên được cung cấp PrEP như một lựa chọn dự phòng HIV bên cạnh các biện pháp dự phòng khác như bao cao su và chất bôi trơn, xét nghiệm HIV thường xuyên, và các biện pháp giảm tác hại khác. Năm 2015, WHO mở rộng khuyến nghị này tới tất cả các nhóm dân cư có nguy cơ lây nhiễm HIV như là một phần của phương pháp dự phòng HIV kết hợp.


Các đại biểu cũng đã đã xem xét và thảo luận về tương lai của PrEP tại Việt Nam và các mô hình có thể cung cấp dịch vụ. Theo đó, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nhiễm HIV, một số nhóm đích vẫn tiếp tục đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm MSM, phụ nữ chuyển giới, người tiêm chích ma túy và bạn tình của những người có HIV. Về vấn đề này, TS Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh, cần khuyến khích đối thoại hơn nữa về vai trò tiềm năng của PrEP trong chiến lược Quốc gia phòng chống HIV: "Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng trong việc ứng phó với HIV. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. WHO khuyến cáo cung cấp các loại thuốc dự phòng HIV như PrEP như là một lựa chọn dự phòng bổ sung cho người có nhiều nguy cơ bị nhiễm HIV. Chúng tôi khuyến khích Việt Nam xem xét để làm thế nào những can thiệp mới như thế này có thể được áp dụng hiệu quả và an toàn tại Việt Nam", TS Lokky Wai khẳng định.

PV
Nỗ lực kết thúc dịch HIV/AIDS
Nỗ lực kết thúc dịch HIV/AIDS

TP Hồ Chí Minh là một trong 5 địa phương trên cả nước được chọn để thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90, nhằm kết thúc dịch HIV/AIDS ở VIệt Nam vào năm 2030. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu đề ra, Thành phố đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN