“Khát” nhân lực
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, hạn chế lớn nhất của ngành y tế vùng ĐBSCL hiện nay chính là nguồn nhân lực. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân mới đạt 5,1, trong khi trung bình cả nước là 7,5 và tỷ lệ dược sĩ/vạn dân mới đạt 0,46 trong khi cả nước là 7,5. Bên cạnh đó, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 332 xã chưa có bác sĩ, nhất là vùng sâu, khó khăn, biên giới - hải đảo. Trong khi đó, theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, yêu cầu là phải có 9 bác sĩ/vạn dân và 2,2 dược sĩ/vạn dân. Để đạt được mục tiêu đó, đến năm 2020, toàn vùng ĐBSCL phải đào tạo hơn 7.000 bác sĩ, hơn 3.000 dược sĩ và như vậy, hàng năm toàn vùng phải đào tạo 1.173 bác sĩ và 512 dược sĩ.
Tình trạng quá tải vẫn còn tiếp diễn tại các bệnh viện tuyến cuối (ảnh chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Nhu cầu là vậy, nhưng trong 3 năm qua, toàn vùng chỉ mới đào tạo được 869 sinh viên, trong đó có 705 bác sĩ, dược sĩ đại học, số còn lại là cử nhân điều dưỡng. Bên cạnh đó, trường đại học Y dược Cần Thơ cũng đã đào tạo theo yêu cầu các tỉnh, thành được 1.066 bác sĩ, 249 dược sĩ. Số liệu trên cho thấy nguồn nhân lực đào tạo cho ngành y tế cả vùng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cũng chính do thiếu nguồn nhân lực, việc triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại một số tỉnh, thành đã gặp những khó khăn. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc giải ngân kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực của đề án cho các bệnh viện hạt nhân đến nay chỉ mới 5,6 tỷ đồng so với 32,6 tỷ đồng đã được phê duyệt. Về nguyên nhân việc giải ngân chậm, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết trong giai đoạn bổ sung nhân sự và đầu tư trang thiết bị theo yêu cầu của đề án, vấn đề khó khăn lớn nhất của các bệnh viện vệ tinh là việc chưa thể cử cán bộ đi đào tạo, vì vậy việc triển khai các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao cũng bị hạn chế.
Nhiều bệnh viện và cả bệnh viện vệ tinh vùng ĐBSCL đều rơi vào tình trạng số lượng y, bác sĩ rất ít. Thiếu nguồn nhân lực trực tiếp khám chữa bệnh nên nếu cắt một phần nhân lực đi đào tạo thì sẽ không đảm bảo hoạt động của bệnh viện. Chưa kể, những trang thiết bị, kỹ thuật y tế được chuyển giao đòi hỏi các cán bộ y tế phải có trình độ cao, cập nhật các kỹ thuật hiện đại.
Không chỉ thiếu bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực y tế ở 5 chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh lý. Theo khảo sát của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đến năm 2020 phải đào tạo 824 bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Những năm qua, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã thụ hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng và sau đại học để giúp các địa phương chủ động nguồn nhân lực, trong đó có ngành y. Tuy nhiên quá trình triển khai, theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vướng mắc hiện nay là trong việc thực hiện tuyển sinh, nhiều cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực các năm qua không thông tin cho các tỉnh về kế hoạch tuyển sinh, hoặc có thông tin nhưng thời gian thực hiện tuyển sinh quá ngắn, tỉnh không thể triển khai kịp theo yêu cầu. Đặc biệt ở ngành y, thường thông tin kế hoạch tuyển sinh của các trường ở thời điểm các trường đã khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, việc phân bổ bình quân số lượng đối với tỉnh, thành dẫn đến các địa phương không có nguồn để xét tuyển vẫn được giao chỉ tiêu. Do vậy, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phải điều phối, phân bổ chỉ tiêu lại cho các tỉnh, thành phù hợp với nguồn hiện có của các địa phương. Bên cạnh đó, đối với xét tuyển ngành y, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm xét tuyển quá cao, chẳng hạn như trong năm 2014, điểm xét tuyển y khoa của đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là 24 điểm nên không đủ nguồn để xét tuyển.
Không chỉ thiếu nguồn xét tuyển do nguyên nhân trên, mà nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL còn đứng trước hiện tượng “chảy máu chất xám”, khó có thể thu hút và giữ chân lực lượng lao động chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp ngành y, nhiều sinh viên quê ở ĐBSCL không muốn về quê hương để phục vụ mà ở lại TP Hồ Chí Minh. Do vậy, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, ngoài việc tiếp tục thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đề án 1816 của Bộ Y tế, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần có chính sách thu hút, đãi ngộ thỏa đáng và tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao.
Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cho phép tiếp tục đào tạo bác sĩ liên thông hệ tập trung để có nguồn cán bộ y tế bổ sung cho cơ sở nhằm phục vụ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Trong đó, các trường cao đẳng y tế ở các tỉnh biên giới đều có đào tạo nhân lực y tế cho các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đối tượng này được tiếp tục học liên thông lên đại học theo yêu cầu của nước bạn và các cá nhân có trình độ cao đẳng y tế về phục vụ ở các trạm y tế vùng biên giới - hải đảo, nơi đặc biệt khó khăn.
Riêng đối với 5 chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh lý đang thiếu nghiêm trọng nhân lực y tế vì hàng năm không có thí sinh thi đầu vào, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án khuyến khích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế của các ngành nói trên.