Trong đó, giao dịch thanh toán tiền điện qua các kênh thanh toán của ngân hàng là một trong những giao dịch thuận tiện, hiệu quả và có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giao dịch thanh toán tiền điện truyền thống. Đồng thời, đem lại nhiều tiện ích, lựa chọn cho khách hàng, cũng như giúp ngành điện và khách hàng tránh được rủi ro, tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Nhân viên Công ty Điện lực Cầu Giấy (Hà Nội) giới thiệu, hướng dẫn về hóa đơn điện tử cho khách hàng tại phường Trung Hòa Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, hiện nay các Công ty Điện lực trực thuộc Tổng Công ty đã hợp tác với một số ngân hàng và đối tác thu hộ tiền điện qua các loại hình dịch vụ như: Thu tiền điện tại quầy giao dịch; Thu tiền điện qua ATM; Thu tiền điện qua Internet Banking, Mobile Banking và thu tiền điện trích nợ tự động...
Ngoài ra, nhiều tiện ích sử dụng công nghệ thông tin, kéo gần khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ khác đã được EVNNPC triển khai như dịch vụ cung cấp điện trực tuyến, tra cứu thông tin sử dụng diện và tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả qua website, email... nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Khách hàng có thể tới bất kỳ Chi nhánh, Phòng giao dịch nào gần nhất của ngân hàng để thực hiện thanh toán tiền điện hàng tháng. Việc thanh toán tiền điện có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như Chuyển khoản; Ủy nhiệm chi qua tài khoản tại ngân hàng; Nộp tiền mặt tại quầy giao dịch gần nhất; Thanh toán qua thẻ ATM; Ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động; Tin nhắn SMS hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử tùy thuộc vào dịch vụ mà ngân hàng khách có tài khoản tiền mặt.
EVNNPC cũng cho biết việc cung cấp dịch vụ thu tiền điện và cung cấp nhiều giải pháp thanh toán hóa đơn tiền điện hoàn toàn miễn phí cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp là khách hàng của các Công ty Điện lực. Cụ thể như: Khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại bất cứ điểm giao dịch nào của các Công ty Điện lực, Điện lực trên toàn quốc với các hình thức như chuyển khoản từng lần hoặc tự động, nộp tiền mặt.
Khách hàng có thể đăng ký dịch vụ ủy quyền cho ngân hàng tự động thanh toán tiền điện hàng tháng chỉ với một lần đăng kí dịch vụ duy nhất. Sau đó, cứ đến kỳ thanh toán hóa đơn, ngân hàng kiểm tra số dư của khách hàng và tự động trích tiền từ tài khoản của khách hàng chuyển sang tài khoản của Công ty Điện lực, hoặc Điện lực để thanh toán hóa đơn đó. Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử như Internet Banking, ứng dụng trên di dộng…
Bà Trần Thị Hậu (62 tuổi) sống tại số nhà 20 đường Bùi Thị Cúc, khu phố Đông Thành, thành phố Hưng Yên cho biết, kể từ năm 2015 khi Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện; trong đó hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng được nhà bà sử dụng vừa thuận tiện, vừa nhanh chóng lại an toàn.
"Trước đây chỉ có các điểm thu theo quy định thì nay tại bất cứ một ngân hàng nào trên địa bàn thành phố Hưng Yên, chúng tôi cũng có thể thanh toán tiền điện mà không hề mất một chi phí dịch vụ nào. Ngành điện đã liên kết với ngân hàng hỗ trợ khách hàng mở tài khoản miễn phí, hướng dẫn tỉ mỉ để bất cứ khách hàng nào cũng có thể nhanh chóng chi trả tiền điện qua tài khoản”, bà Hậu nói.
Chia sẻ của bà Hậu cũng là chia sẻ và phản hồi của đa số khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian của EVNNPC triển khai trong thời gian qua.
Đại diện Công ty Điện lực Hưng Yên, ông Phùng Đại Cát – Trưởng phòng Kinh doanh cho biết, Công ty Điện lực Hưng Yên đã triển khai việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ năm 2015. Nếu vào thời điểm cùng kỳ tháng 3/2015 chỉ có 78 khách hàng thanh toán tiền điện qua hình thức Online thì đến tháng 3/2016, tỷ lệ này là hơn 4000 khách hàng. Và đến tháng 3/2017, số khách hàng đã tăng lên hơn 300%, đạt trên 13.000 khách hàng.
Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Hưng Yên bày tỏ: “Hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian đã thể hiện được tính năng tiện ích cho đông đảo khách hàng như thực hiện thanh toán linh hoạt, tiện lợi, tạo sự thoải mái cho khách hàng khi thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời được bảo mật thông tin khách hàng và cho dữ liệu của Công ty Điện lực”.
“Ngoài ra, các rủi ro đối với khách hàng cũng được hạn chế bởi khách hàng đã nhận được các thông tin cụ thể về chỉ số công tơ sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng, minh bạch thông qua tin nhắn trước khi thanh toán, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại”, ông Cát nói.
Cũng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trao đổi về dịch vụ thanh toán tiền điện qua mạng với các ngân hàng, anh Bùi Mạnh Hà (đường Bùi Thị Cúc, khu phố Đông Thành) cho biết, gia đình anh từ lâu đã thực hiện thanh toán tiền điện qua mạng Internet. Sau khi nhận tin nhắn của Công ty Điện lực Hưng Yên thông báo chỉ số công tơ điện đã sử dụng và số tiền phải thanh toán trong tháng thì bất cứ lúc nào rảnh anh đều có thể lên mạng bằng máy tính tại nhà hoặc điện thoại để thực hiện việc thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ Internet Banking.
“Với những thao tác này, gia đình tôi không phải mất công và thời gian đi thanh toán tiền điện tại các điểm thu như trước nữa. Có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của gia đình tôi cũng sử dụng dịch vụ này và cả dịch vụ ủy nhiệm chi tự động của ngân hàng với khoản tiền điện”, anh Hà chia sẻ.
Theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 thì tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020.
Một trong những mục tiêu được Đề án đặt ra cho các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước là phải đảm bảo 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng...
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng cùng các đơn vị thành viên từ năm 2016, đặc biệt là từ năm 2017 đã và đang đẩy mạnh triển khai hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian.
Theo ông Lê Quang Thái, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC, là một đơn vị có địa bàn kinh doanh phân phối điện ở 27 tỉnh, thành miền Bắc, đặc biệt có số lượng lớn các địa phương là nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng Tổng Công ty vẫn quyết tâm thay đổi nhận thức của các Công ty Điện lực cũng như thói quen giao dịch khách hàng trong chi trả tiền điện hàng tháng. Đồng thời, mong muốn mỗi khách hàng, từ bà nội trợ đến cán bộ công chức, thương nhân hay trí thức đều sử dụng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ và thu nộp qua ngân hàng để cảm nhận sự văn minh, hiện đại và thuận tiện.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, trong năm 2017, Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên của mình không ngừng đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện qua ngân hàng. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty với hàng chục ngân hàng đối tác trong nước, các Công ty Điện lực tỉnh/thành phố thuộc EVNNPC phải khẩn trương thương thảo, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với ngân hàng nhằm đa dạng hóa các hình thức thu tiền điện phục vụ khách hàng.
Tổng Công ty cũng yêu cầu các Công ty Điện lực cũng như ngân hàng đối tác phải rà soát, thống nhất triển khai chi tiết kế hoạch như địa điểm, các dịch vụ cung cấp, đối soát, quyết toán... để đảm bảo không ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng khi thay đổi phương thức thanh toán.
Đối với đơn vị kinh doanh bán điện, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các hình thức trực tuyến khác càng cao thì ngành điện càng tiết kiệm được chi phí in ấn sổ sách, hóa đơn chứng từ và nhân công so với hình thức thu tiền điện tại các điểm thu, hạn chế được các rủi ro có thể xảy ra khi lưu thông bằng tiền mặt trong các quá trình triển khai thu tiền điện.