Đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo, thủy sản

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như cung cấp tín dụng phục vụ sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức tại Cần Thơ ngày 5/7.


Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trước hết các địa phương trong khu vực cần thực hiện tốt chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu; đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh, cơ cấu, tổ chức lại sản xuất lúa gạo, thủy sản một cách khoa học, hợp lý; tiếp tục triển khai chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong sản xuất.


Sản xuất lúa gạo hiện nay vẫn còn khó khăn. Giá thành sản xuất vụ lúa hè thu bình quân 4.142 đồng/kg, trong khi đó, giá mua vào chưa bảo đảm cho nông dân có lãi 30%. Riêng lúa chất lượng thấp bán ra chỉ từ 3.800 - 4.000 đồng/kg, dưới giá thành. Cùng với đó, cá tra xuất khẩu của nước ta đang bị một số thị trường áp đặt một số rào cản thương mại và kỹ thuật. Doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp qui mô sản xuất, xuất khẩu. Đối với tôm sú và tôm chân trắng vẫn còn bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan, tụy gây hại hàng ngàn ha.


Để tháo gỡ khó khăn trên, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chuẩn bị tài liệu chứng minh ngành tôm Việt Nam không được trợ cấp, các khoản đầu tư đối với ngành này là minh bạch, nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Bộ cũng cung cấp các nghiên cứu khoa học liên quan đến dư lượng chất Ethoxyquyn có trong tôm và các biện pháp khắc phục cho phía Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến nay, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ việc kiểm soát dư lượng chất Trifulralin. Bộ cũng gửi các tài liệu cho phía Mêhicô chứng minh Việt Nam đã cơ bản khống chế được bệnh hoại tử gan, tụy, sản phẩm tôm Việt Nam bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.


Đối với cá tra, phía Việt Nam tập trung tháo gỡ rào cản vào thị trường Mỹ, Ucraina, Nga; củng cố các thị trường truyền thống (EU, Nhật, Mỹ), mở rộng thị trường mới tại Ôxtrâylia, Nga, Bỉ, Đông Âu, EU, Trung Đông…Đối với tôm nước lợ, hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi, ngăn chặn bơm chích tạp chất vào nguyên liệu, tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại. Về lâu dài, qui hoạch vùng sản xuất cá tra, tôm theo chuẩn GAP, tập trung tại bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên; ưu tiên xây dựng hạ tầng thủy lợi; xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo nhằm phòng chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản.


Đối với cây lúa, trước mắt, các tỉnh ĐBSCL thực hiện tốt việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu, tăng cường cấp tín dụng cho nông dân. Các bộ liên quan tích cực tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu gạo; giảm tỉ trọng giống chất lượng thấp xuống dưới 20% diện tích từ vụ thu đông 2013 và chỉ gieo trồng ở nơi đủ điều kiện về cống bọng, bờ bao. Khu vực không ngập lũ sẽ chuyển một phần diện tích lúa thu đông sang trồng cây khác hiệu có quả cao hơn. Các tỉnh cần đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao độ thuần của hạt lúa, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng bao tiêu lúa cho nông dân trong cánh đồng mẫu lớn. Về lâu dài, các tỉnh ĐBSCL rà soát lại qui hoạch sản xuất lúa, xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với thị trường, đạt hiệu quả cao, an toàn trước thiên tai; đẩy mạnh thực hiện chương trình giống, tăng cường thâm canh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến; đẩy mạnh các hình thức liên kết, mở rộng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu lúa gạo, chia sẻ lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp; chú trọng giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục xây dựng hệ thống kho chứa lúa.


Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh ĐBSCL cần thực hiện tốt quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở qui hoạch lại sản xuất, gắn với qui luật thị trường với phương châm hiệu quả, chất lượng, giá trị cao hơn. Các tỉnh cần lựa chọn sản phẩm và mức độ sản xuất phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu theo hướng liên kết vùng, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trước hết trên lĩnh vực giống, xây dựng thương hiệu lúa gạo, thủy sản.

 

Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch 435.400 ha lúa hè thu, chiếm 25,8% diện tích gieo sạ và đã thu mua tạm trữ được 218.223 tấn gạo, đạt 21,8% kế hoạch. Toàn vùng đã thả nuôi 4.341 ha cá tra và đã thu hoạch 2.116 ha, sản lượng 545.718 tấn. 5 tháng đầu năm đã xuất đạt giá trị 670 triệu USD. Riêng tôm đã thả nuôi 570.348 ha, sản lượng thu hoạch đạt 100.000 tấn.


Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN