Sáng 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Năng suất lao động tăng lên
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một đề án sâu, rộng nhất từ trước đến nay. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực cho sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn cũng như các khu công nghiệp trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng, từ Trung ương đến cấp xã đã hình thành được một bộ máy chỉ đạo, hướng dẫn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các chính sách phát triển cho công tác này. Đặc biệt, đã hình thành được các nhóm mô hình dạy nghề có hiệu quả cho người lao động nông thôn, như: Dạy nghề nông nghiệp; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (dạy nghề cho doanh nghiệp); dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ. Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã tiếp tục trở lại làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đạt hiệu quả và thu nhập tăng. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng ở nông thôn ngày càng nhiều.
Học phải đi đôi với hành
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua, như: Chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề đối với cán bộ cấp huyện, xã hiệu quả chưa cao; việc lập, phê duyệt kế hoạch, kinh phí hỗ trợ dạy nghề ở nhiều địa phương thực hiện chưa đúng và chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra…
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với sản xuất, nhất là trong quá trình tập huấn lý thuyết phải gắn với thực tế. Các bộ, ngành và địa phương cũng phải đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định và bao tiêu sản phẩm cho người lao động nông thôn.
Sau 3 năm triển khai, đến nay, 1.088.393 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề; 822.460/1.042.059 người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn; 55.288 người thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, thu nhập thoát nghèo; 88.222 người học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của các hộ dân trong vùng. |
Nguyễn Cường