Sau gần 5 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” (gọi tắt là Đề án 103) của Thủ tướng Chính phủ tại Lai Châu, đã có thêm hàng nghìn thanh niên dân tộc thiểu số có việc làm, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.
Giờ học lý thuyết kỹ thuật trồng trọt tại lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Triển khai Đề án 103, đến nay đã có trên 3.000 thanh niên được đào tạo nghề, trên 2.000 thanh niên ở Lai Châu được giới thiệu việc làm, 100% huyện, thị đã mở các lớp đào tạo nghề lưu động. Tỉnh đoàn Lai Châu đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy hướng nghiệp cho gần 1.000 thanh niên với các nội dung như chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật trồng cây, sửa chữa động cơ điện, điện nước, cơ khí, vận hành máy xúc... Ngoài ra, Đoàn thanh niên tỉnh đã tư vấn và hỗ trợ việc làm cho hơn 5.000 đoàn viên thanh niên. Tỉnh đoàn Lai Châu còn liên kết với Hội doanh nghiệp trẻ của tỉnh tăng cường nắm bắt thông tin thị trường lao động để xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của nhà tuyển dụng, tránh tình trạng lãng phí lao động; phối hợp tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm... giúp thanh niên địa phương tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn và chuyển giao công nghệ mới.
Để hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế, Đoàn thanh niên tỉnh Lai Châu chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng mô hình phát triển sản xuất mang tính chất định hướng như: Làng thanh niên biên giới, mô hình vườn cây thanh niên, trang trại thanh niên, cánh đồng thu nhập cao, kinh tế vườn đồi... để thanh niên xóa đói giảm nghèo cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, các tổ vay tiết kiệm giúp thanh niên lập nghiệp cũng được thành lập và duy trì, tổng dư nợ trong toàn tỉnh đến nay đã lên tới gần 150 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu Lý Công Hà cho biết: Để thu hút đoàn viên thanh niên tại các xã vùng khó khăn tham gia học nghề, Đoàn thanh niên đã phối hợp với các tổ chức mở các lớp dạy nghề lưu động ngắn hạn tại địa phương, đào tạo gắn với những mô hình sản xuất phù hợp điều kiện từng vùng. Một số đoàn viên thanh niên sau khi học nghề đã mạnh dạn phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Thời gian tới, Đoàn thanh niên sẽ tăng cường phối hợp đào tạo và giới thiệu thêm việc làm cho trên 5.000 thanh niên nông thôn, trong đó có ít nhất 70% thanh niên có việc làm sau đào tạo.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác dạy nghề và tư vấn hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã được chú trọng, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của các đối tượng chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch kinh tế vùng, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quang Duy