Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên tạo việc làm cho người khuyết tật, nhằm đưa họ hòa nhập với cuộc sống, nhưng người khuyết tật được đào tạo có việc làm còn ở mức thấp.


Mong muốn hòa nhập


Sau khi kết thúc lớp học nghề 3 tháng do Hội người khuyết tật Ba Vì tổ chức, Lê Thị Ngân (28 tuổi), người khuyết tật huyện Ba Vì (Hà Nội) đã được nhận vào xưởng may trên địa bàn Ba Vì. Lê Thị Ngân chia sẻ: “Trước đây em sống dựa vào gia đình, nay kiếm được tiền từ công sức của mình, thấy thật ý nghĩa. Học nghề và đi làm đã mang đến cuộc sống mới cho em. Em không còn gò bó và tự ti nữa”.

Lê Thị Ngân, người khuyết tật huyện Ba Vì (Hà Nội) đã có công việc ổn định sau khi được đào tạo nghề may.


Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật Ba Vì, cho biết: Năm qua, Hội Khuyết tật Ba Vì đã mở 2 lớp học may cho 70 học viên. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% học viên tốt nghiệp có việc làm. Theo ông Phong, do hiện nay các xưởng đều làm theo khoán, nên chỉ có một số em có tay nghề khá mới được nhận vào làm. Chính vì vậy, các lớp dạy nghề cho người khuyết tật cần có thời gian dạy dài hơn.


Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Hà Nam, ông Trần Quang Dũng cho rằng: Vướng mắc lớn nhất để nhận NKT vào làm là tay nghề và kỹ năng nghề, do thời gian đào tạo nghề rất ngắn nên NKT chưa thể tiếp thu được. Do vậy, cần có các giải pháp, quan tâm, sự đầu tư về thời gian đào tạo sao cho đủ dài để NKT có thể làm tốt được công việc sau khi học nghề.

Cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó, khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Trên 75% số NKT sống ở các vùng nông thôn, trình độ văn hóa thấp… Đa phần NKT hiện chưa có việc làm và phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội.


Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng cần phải tư vấn và bảo đảm cho NKT lựa chọn những nghề phù hợp với sức khỏe và trình độ của họ. Phải coi trọng dạy nghề cho NKT và tạo việc làm từ đơn giản đến phức tạp.


Bên cạnh đó, khi đi làm, NKT gặp nhiều khó khăn về môi trường tiếp cận như nhà xưởng làm việc, giao thông... do vậy, ngoài chính sách ưu đãi về dạy nghề và tạo việc làm, cũng cần phải tăng cường môi trường tiếp cận cho NKT.


Tìm một mô hình


“Hiện nay, người khuyết tật được dạy nghề và tạo việc làm chủ yếu là dựa vào sự quan tâm của các doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm việc làm. Do đó, các bộ, ngành cần có chính sách tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các trường tạo điều kiện để NKT được học nghề hòa nhập cộng đồng; trong đó phải có cơ chế đặt hàng đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở hội của người khuyết tật và hình thành một mạng lưới có sự tham gia của các tổ chức hội”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Nguyễn Trọng Đàm, cho biết.


Được biết, tính từ năm 1995 đến nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT và số lao động là người khuyết tật đã tăng gấp đôi, với 400 cơ sở và trên 15.000 lao động. Từ thực tế cho thấy, mô hình đào tạo tại cộng đồng thông qua chính các cơ sở kinh doanh của NKT mang lại hiệu quả bền vững, vì có sự tương trợ lẫn nhau.


Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2012 - 2015, sẽ có 250.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm phù hợp. Năm 2013, Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung thí điểm một số mô hình như dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề đáp ứng nhu cầu cá nhân NKT để có cơ hội tìm việc làm trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. “Dạy nghề theo các dự án sẽ trở thành mô hình phổ biến hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Thủy cho biết.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN