Hiện NHCSXH thực hiện cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo: Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (QĐ 365), Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 (QĐ 71) và Quyết định số 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc mới triển khai năm 2013.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ) có thời hạn ở nước ngoài gọi chung là cho vay XKLĐ, NHCSXH đã giải ngân cho gần 106.000 hộ gia đình được vay vốn với gần 2.500 tỷ đồng, qua đó giúp cho gần 107.000 lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người đi lao động tại các huyện nghèo được vay vốn đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó doanh số thu nợ của chương trình cũng đạt gần 2.014 tỷ đồng cho thấy chính sách đạt hiệu quả rất tốt.
Ngân hàng Chính sách xã hội giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tính đến 31/12/2015, tổng dư nợ cho vay XKLĐ đạt gần 462 tỷ đồng. Riêng năm 2015, cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài đạt 131,5 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 129 tỷ đồng với hơn 2.400 lao động được vay vốn.
Cho vay XKLĐ của NHCSXH đang triển khai là kênh tín dụng giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình sinh sống tại các huyện nghèo và đặc biệt với đối tượng vay là người dân tộc thiểu số có điều kiện để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ. Nguồn vốn cho vay đi XKLĐ từ NHCSXH được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo tại địa phương nói riêng và của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nói chung. Đồng thời, phong trào đi lao động ở nước ngoài đã đem về cho đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước, giúp đất nước hội nhập và phát triển.
Do đi nước ngoài làm việc được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phong cách làm việc khoa học, hiện đại nên người lao động đã thay đổi được nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm để khi trở về nước có điều kiện mở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng. Và đây là kiến thức cần có, là tiền đề cho người lao động sau khi hết hợp đồng về nước tham gia lao động sản xuất kinh doanh có năng suất, chất lượng cao hơn.
Điều đáng lưu ý là từ khi triển khai thực hiện QĐ 71 thì xu hướng triển khai cho vay XKLĐ theo QĐ 71 và theo QĐ 365 lại có sự khác biệt. Trong khi dư nợ cho vay hộ nghèo, gia đình chính sách đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài theo QĐ 365 có chiều hướng giảm nhanh trong nhiều năm qua thì dư nợ cho vay người lao động thuộc huyện nghèo đi XKLĐ theo QĐ 71 chỉ có tăng trưởng chậm và chững lại. Cụ thể:
Thực trạng trên là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, cho vay người lao động thuộc huyện nghèo đi XKLĐ theo QĐ 71: Bên cạnh việc miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng... , người lao động còn được cho vay vốn ưu đãi theo nhu cầu tối đa bằng các khoản chi người lao động phải đóng góp trên thị trường và được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của NHCSXH áp dụng cho đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đi XKLĐ (lãi suất được hưởng là 0,275%/tháng). Trong khi đó, đối tượng cho vay XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài theo QĐ 365, chính sách vay vốn bị bó hẹp hơn, về cơ bản không đáp ứng chi phí cho lao động để đi làm việc ở nước ngoài, với mức vay là 30 triệu đồng và lãi suất là 0,55%/tháng.
Thứ hai, để thực hiện thành công Đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020", người lao động thuộc huyện nghèo đi XKLĐ theo QĐ 71 được ưu ái về mức vay cao hơn và lãi suất vay nên họ có quyền được lựa chọn những thị trường có việc làm và có thu nhập cao, ổn định (chủ yếu là các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...), trong khi đó, các đối tượng thuộc cho vay XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài (theo QĐ 365) do mức vay bó hẹp nên có ít sự lựa chọn những thị trường tốt cho người lao động.
Để tháo gỡ những khó khăn, vừa qua, Hội đồng quản trị NHCSXH đã quyết định nâng mức cho vay đối với người lao động thuộc hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay 100% chi phí được ghi trên hợp đồng được ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người đi lao động.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động XKLĐ cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về XKLĐ để lừa đảo người lao động... Bên cạnh đó, do suy thoái kinh tế trên toàn thế giới nên thị trường việc làm trên thế giới cũng bị suy giảm nhiều, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cũng vì thế mà giảm mạnh, người lao động làm việc ở nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, một số chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng theo cam kết đã ký. Một số trường hợp người lao động chưa thực sự thay đổi được tư duy trong lao động, ý thức kỷ luật lao động không cao nên dễ dẫn đến bỏ dở công việc, vi phạm hợp đồng lao động...
Để giảm bớt tình trạng này và nâng cao hiệu quả, chất lượng của chương trình thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương, doanh nghiệp XKLĐ, trong đó coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ đối với đơn vị làm dịch vụ XKLĐ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh các trường hợp người lao động bị lừa đảo. Đồng thời nâng cao trách nhiệm và chất lượng tuyển chọn lao động của doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ. Có chế tài, biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, đơn vị tuyển chọn không thực hiện đúng hợp đồng với người lao động, gây thiệt hại cho người lao động và rủi ro cho nguồn vốn vay của Nhà nước.
Các bộ, ngành liên quan mở các diễn đàn trao đổi theo định kỳ để cùng các đơn vị tham gia nắm bắt thông tin về tình hình, kết quả triển khai chương trình, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh để chương trình đạt hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp, dịch vụ khi tuyển lao động cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường thông qua các biện pháp tăng cường đầu tư về tổ chức bộ máy, tài chính, cơ sở đào tạo, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ lợi ích người lao động. Cần tập trung đầu tư cho công tác đào tạo và giáo dục định hướng đối với người lao động nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để đáp ứng được yêu cầu công việc, nâng cao chất lượng tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Với sự nỗ lực hơn nữa trong hành trình dẫn vốn đến với người lao động có nhu cầu XKLĐ của NHCSXH cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và sự ủng hộ của nhân dân, chính sách cho vay XKLĐ sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo của Chính phủ.