Để nông dân bớt lo khi vào mùa thu hoạch - Bài 1

Bài 1: Gạo tồn kho tăng


ĐBSCL vừa kết thúc vụ đông xuân 2012 - 2013 thì các tỉnh phía Bắc chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ chiêm xuân. Hai tháng nữa, vùng ĐBSCL lại đồng loạt ra quân thu hoạch vụ lúa hè thu 2013. Trong khi nguồn cung lúa dồi dào thì việc xuất khẩu gạo lại gặp rất nhiều khó khăn do cầu yếu. Bài toán làm thế nào để cuộc sống của nhà nông ổn định, để nông dân gắn bó với đồng ruộng vẫn là thách thức không chỉ của ngành nông nghiệp...

 

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Long An (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Lượng gạo tồn kho hiện đang ở mức tương đối cao, các địa phương lại liên tiếp được mùa, trong khi thị trường nhập khẩu chỉ mua nhỏ giọt. Nguy cơ ế hàng triệu tấn gạo đang hiển hiện.

 

Nguồn cung dồi dào


Khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng qua đạt 2,86 triệu tấn đạt kim ngạch 1,265 tỷ USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu gạo bình quân 4 tháng đầu năm là 445 USD/tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Trong Thừa, Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), sản lượng vụ đông xuân 2012 - 2013 của các tỉnh ĐBSCL đạt khoảng 10,4 triệu tấn thóc; sản lượng vụ mùa và thu đông năm 2012 thu hoạch đầu năm nay là 400.000 tấn quy gạo, lượng tồn kho từ năm ngoái luân chuyển sang năm nay là gần 1 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng quy gạo của toàn vùng là 6,5 triệu tấn. Ông Thừa tính toán, lượng gạo tiêu thụ nội địa gối đầu sang vụ hè thu là 2 triệu tấn, xuất khẩu 2,5 triệu tấn; do vậy, lượng gạo tồn kho đến nay rơi vào 2 triệu tấn.
Dự kiến vụ hè thu năm nay, tổng sản lượng của toàn vùng ĐBSCL ước đạt 9,3 triệu tấn lúa, tương đương hơn 4,6 triệu tấn gạo, trong đó gạo hàng hóa đạt hơn 3,1 triệu tấn sẽ được thu hoạch rộ trong hai tháng 7 và 8. Còn vụ đông xuân 2012 - 2013 tại các tỉnh miền Bắc cũng cơ bản được mùa, dự kiến đạt 7,2 triệu tấn thóc.

 

Tiêu thụ nhỏ giọt, giá giảm


Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu trong thời gian qua giảm nhẹ nhưng tổng kim ngạch giảm đến 8%, nguyên nhân là do giá xuất khẩu giảm. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện thấp hơn giá của Ấn Độ, Pakixtan, Thái Lan; và chỉ cao hơn giá của Mianma. Theo ông Phong, nguyên nhân là do hiện nguồn cung ngũ cốc của thế giới đang ở mức rất dồi dào. Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu đạt mức chưa từng có, với 472 triệu tấn. Lượng gạo tồn kho trên toàn thế giới ở mức 171 triệu tấn, vượt xa mọi dự báo. Riêng mức tồn kho của 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là triệu tấn, tương đương với lượng gạo nhập khẩu gạo của toàn thế giới trong một năm. Nhiều nước trong khu vực như Philíppin, Inđônêxia trước đây phải nhập khẩu rất nhiều gạo thì nay họ đã từng bước tự chủ được lương thực.


Ông Phong cho biết thêm, Thái Lan - một trong những đối thủ của ta trong lĩnh vực xuất khẩu gạo - đang tồn kho tới 17 triệu tấn gạo; Ấn Độ tồn tới 35,5 triệu, trong khi nước này chỉ cần 12,5 triệu tấn là đủ để đảm bảo an ninh lương thực. Trong 5 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của các nước đều giảm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong VFA đã phải tính toán rất kỹ lưỡng việc bán hay không bán và bán ở mức giá nào. Nếu Thái Lan xả hàng thì chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ta sẽ càng khó khăn hơn. Ông Phong khẳng định: “Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay là hợp lý”.


Hiện các doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán thị trường. Theo Bộ NN&PTNT, ngoài những thị trường truyền thống, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm được những hợp đồng xuất khẩu gạo sang châu Mỹ và châu Phi nhưng lượng xuất khẩu không nhiều. Trong số những thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam với lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 4 tháng đạt trên 910.00 tấn tương đương 0 triệu USD, tăng 33% về lượng, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đáng nói là số hợp đồng bị huỷ ở thị trường này cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Theo ông Phong, đây là thị trường có rất nhiều tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.


Theo dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình thị trường gạo thế giới sẽ khó có cơ hội khởi sắc mà tiếp tục trì trệ do nhu cầu yếu trước áp lực cung cấp thừa, tồn kho ngày càng tăng.

 

Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013 tại ĐBSCL trình Thủ tướng đề nghị cho mua tạm trữ vụ hè thu khoảng 1 triệu tấn quy gạo, tương đương với 2 triệu tấn lúa. Thời gian thu mua tạm trữ trong vòng 60 ngày (từ 15/6 - 15/8/2013); thực hiện theo quy chế tạm trữ lúa gạo thường xuyên do Chính phủ ban hành. Trong trường hợp quy chế tạm trữ lúa gạo chưa được Chính phủ phê duyệt, việc triển khai tạm sẽ được thực hiện theo cơ chế như vụ đông xuân 2012 - 2013, nghĩa là Hiệp hội lương thực Việt Nam là đầu mối thu mua tạm trữ lúa hàng hóa.

 

Huyền Tím

Bài cuối: Phát triển công nghiệp chế biến là lối thoát

Để nông dân bớt lo khi vào mùa thu hoạch - Bài cuối
Để nông dân bớt lo khi vào mùa thu hoạch - Bài cuối

Diễn biến thị trường lúa gạo trong nước cũng như trên thế giới đang gây ra nhiều bất lợi cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN