Bài cuối: Phát triển công nghiệp chế biến là lối thoát
Diễn biến thị trường lúa gạo trong nước cũng như trên thế giới đang gây ra nhiều bất lợi cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Nếu không tìm ra một giải pháp căn cơ thì không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp khó mà bản thân người nông dân vất vả quanh năm cũng khó có thể đạt mức lợi nhuận 30%. PV Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Xuân (ảnh) - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về vấn đề này.
Thưa ông, việc lúa hàng hóa tồn kho với số lượng lớn đang ảnh hưởng đến đời sống của nông dân vùng ĐBSCL - vựa lúa của cả nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng, việc này đúng là đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, toàn vùng đang tồn đọng khoảng 2 triệu tấn gạo. Khoảng 2 tháng nữa, vùng ĐBSCL sẽ bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu, khi đó, lượng lúa gạo tồn kho sẽ không chỉ dừng ở con số này mà sẽ tăng thêm.
Điều đáng nói là, nếu như ở vụ đông xuân, thời điểm thu hoạch rộ đúng vào mùa khô nên việc thu hoạch, phơi sấy, xay xát gặp thuận lợi; còn ở vụ hè thu, thời gian thu hoạch lại rơi đúng vào mùa mưa nên nhà nông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những khâu này. Nếu lúa không được phơi sấy kịp thời thì chất lượng gạo sẽ bị ảnh hưởng; khiến cho việc tiêu thụ vốn đã khó sẽ càng khó thêm, giá đã rẻ sẽ càng rẻ hơn.
Theo ông, giải pháp trước mắt mà ngành NN&PTNT cũng như Chính phủ cần làm là gì để tiêu thụ hết lúa cho nông dân?
Chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ là đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nếu chỉ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thôi thì không giúp gì nhiều cho nông dân vùng ĐBSCL. Bình quân hàng năm, toàn vùng sản xuất 24 triệu tấn thóc, tương đương với 12 triệu tấn gạo; thế mà mỗi năm, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 2 triệu tấn (1 triệu tấn vụ đông xuân và 1 triệu tấn vụ hè thu). Số lúa gạo bán ra trong diện này, người nông dân cũng chưa được hưởng lãi 30%.
Tôi thấy, những nông dân giàu có ở vùng ĐBSCL đều là những hộ làm ăn theo mô hình kinh tế tổng hợp, tức là trồng lúa kết hợp với chăn nuôi và làm dịch vụ, chứ rất hiếm người chỉ trồng lúa mà giàu lên được.
Theo tôi, để giúp nhà nông ổn định cuộc sống, làm ăn có lãi thì Chính phủ cần thu mua hết số lúa gạo mà nông dân làm ra. Nếu làm được như vậy thì nông dân mới yên tâm sản xuất lúa trên diện tích đất không chuyển đổi mục đích sử dụng và có tinh thần gắn bó với đồng ruộng.
Đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu bức thiết đối với vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa hè thu sớm tại Vị Thủy, Hậu Giang. ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, các địa phương trong vùng ĐBSCL và Chính phủ cần đưa ra giải pháp gì để giúp cải thiện cuộc sống của nông dân, thưa ông?
Theo tôi, giải quyết bài toán này không phải dễ nhưng đây là trách nhiệm của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương. Không có lý do gì để những người nông dân trong một vựa lúa không thể làm giàu.
Ở ĐBSCL, người nông dân thu hoạch lúa quanh năm. Một năm, nhà nông làm 2 vụ là chuyện bình thường, 3 vụ cũng không còn là chuyện lạ. Thậm chí, có những nơi, bà con còn tổ chức sản xuất rất tốt: 2 năm làm tới 7 vụ. Nhưng câu chuyện ở đây là hiệu quả mà người nông dân thu được là gì, khi cứ đến vụ thu hoạch là lại canh cánh nỗi lo tiêu thụ sản phẩm, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu.
Do vậy, để nông dân thực sự có cuộc sống sung túc, họ cần có sự trợ giúp của Chính phủ bằng chính sách, bằng cơ chế. Theo tôi, trước tiên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải xác định được diện tích lúa cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Số diện tích còn lại, ta không trồng lúa mà trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn mà thị trường đang có nhu cầu.
Với diện tích trồng lúa, các địa phương trong vùng phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đưa công nghiệp hóa vào ngành nông nghiệp. Sản phẩm làm ra lúc này là hạt gạo nhưng ta không chỉ cung cấp gạo cho thị trường mà phải cung cấp các sản phẩm khác đã qua chế biến như bún, bánh và thực phẩm công nghệ các loại. Để làm được cái này, toàn vùng phải có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới.
Nếu Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp triển khai được đồng bộ các giải pháp này thì nông dân vùng ĐBSCL sẽ đỡ vất vả hơn và có cơ hội làm giàu.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Tím (thực hiện)