Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất lắp máy 220 MW, nằm trên địa bàn 2 xã Đăk Tăng, Ngọc Tem của huyện Kon Plông và xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công vào năm 2009. Theo thiết kế, để phục vụ phát điện, công trình xây hầm chuyển nước từ nhánh sông Đăk Snghé thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum sang sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Dư luận lo lắng liệu sông Đăk Snghé và Đăk Bla có bị “bức tử” khi công trình trên tích nước.
Hạn chế ảnh hưởng môi trường
Trước thực trạng trên, chủ đầu tư công trình đã nghiên cứu tính toán lại để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của công trình. Ông Huỳnh An - Phó Ban quản lý dự án thủy điện cho biết: Ban đầu chúng tôi cũng dự tính sẽ xả nước về sông Đăk Snghé với dung lượng 0,5 m3/giây (như đánh giá tác động môi trường của công trình). Nhưng chúng tôi đang tính nâng lượng nước xả về sông là 3 m3/giây để đảm bảo dòng chảy sinh thái ở hạ lưu.
Trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, Thủy điện Thượng Kon Tum sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. |
Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm khí tượng thủy văn Kon Tum đo tại thời điểm mùa cạn nước nhất của sông Đăk Snghé trong năm 2013 (thủy điện chưa tích nước) thì lượng nước ở thượng nguồn đập thủy điện trên sông Đăk Snghé là 1,06 m3/giây, sau đập là 3,95 m3/giây. “Tôi nghĩ nếu Thủy điện Thượng Kon Tum trả đủ, trả đều lượng nước 3 m3/giây thì lượng nước đủ cho dòng chảy sinh thái ở hạ lưu đập vì ngoài ra còn lượng nước từ 2 nhánh sông nhỏ khác là Đăk Pône và Đăk Khe hợp lưu cùng suối Đăk Snghé với lưu lượng là 1,2 m3/giây (mùa khô kiệt)”, ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Kon Tum khẳng định.
Được biết, công trình thủy điện Thượng Kon Tum có cột nước cao hơn 800 m, chạy trong đường hầm dài gần 20 km nên lượng tích nước cũng không nhiều. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Huy thì lượng nước sông Đăk Snghé chỉ chiếm khoảng 15 - 20% lượng nước ở sông Đăk Bla (theo tính toán của chủ đầu tư thì lượng nước chiếm khoảng 12%), với sông Sê San thì rất nhỏ.
Trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã giảm công suất lắp đặt từ 250 MW xuống còn 220 MW; điều chỉnh cao trình (từ 1.177 m xuống 1.163 m); điều chỉnh diện tích rừng bị ngập từ gần 400 ha xuống còn hơn 280 ha, diện tích đất nông nghiệp, hộ tái định cư cũng giảm theo.
Trước thông tin cho rằng việc dẫn nguồn nước từ sông Đăk Snghé về Trà Khúc khiến các sông Đăk Snghé và Đăk Bla trở thành dòng sông chết, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và môi trường sinh thái, gây hoang mang lo lắng cho người dân..., tại cuộc làm việc với đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vào chiều 17/6, tỉnh Kon Tum tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đánh giá cụ thể tác động của công trình này đối với môi trường.
Giúp người dân ổn định cuộc sống
Trước khi triển khai dự án, các xã Đăk Tăng, Ngọc Tem hay Đắk Kôi là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Nhằm giúp người dân trong vùng dự án và các xã lân cận, chủ đầu tư công trình đã dành khoảng 200 tỷ đồng để làm 40 km đường bê tông theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi, nền đường 6 m, mặt đường 3,5 m, nối trung tâm huyện đến các xã vùng sâu nói trên. Ngoài ra, hàng chục tỷ đồng khác cũng được đầu tư để làm con đường bê tông nội vùng, nối tỉnh lộ 676 vào các khu tái định cư... tạo thuận lợi cho dân đi lại, hàng hóa, xe cộ đều có thể lưu thông quanh năm.
Ngoài ra, khi triển khai dự án, đã có gần 200 ha đất của người dân ở 3 xã Đăk Tăng, Măng Cành, Ngọc Tem, được thu hồi để xây dựng nhà máy. Gần 100 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới... Để hỗ trợ người dân, dự án đã hỗ trợ cho xây dựng làng mới ở nơi định cư mới để người dân yên tâm định cư. Cụ thể, mỗi nhà được xây dựng từ 60 - 80 m2 (tùy ít khẩu hay nhiều), nhà được xây dựng theo kiểu nhà rông truyền thống. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình phụ trợ như nhà ăn, bếp, công trình vệ sinh cùng hệ thống điện, nước sinh hoạt... cũng được xây dựng. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 1.000 m2 đất ở, 0,8 ha đất trồng lúa nước và 1 ha trồng lúa rẫy... Theo tính toán thì bình quân mỗi hộ khi di dời về nơi ở mới được dự án đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.
“Ngày trước, ở làng cũ đi lại khó khăn, nhà không to, đẹp, chắc chắn như hôm nay. Ngày đó, bà con gieo cây lúa, trồng cây sắn, nuôi con heo cũng khó bán ra ngoài vì đi lại khó khăn. Giờ thì cuộc sống đã ổn định hơn”, anh A Khin ở làng Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, cho biết.
Được biết, trong 3 năm đầu khi dân về ở, mỗi tháng dự án hỗ trợ 30 kg gạo/khẩu để giúp dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cho mỗi hộ dân di dời về nơi ở mới 5 triệu đồng, hỗ trợ tiền mừng nhà mới...”.
Bài và ảnh: Cao Nguyên