Để tâm sáng ngày Rằm tháng 7

Những tuyến phố chuyên bán đồ hàng mã nổi tiếng tại Hà Nội thời điểm này tấp nập người mua. Lễ Vu Lan và Rằm tháng 7 Âm lịch theo tín ngưỡng dân gian là dịp quan trọng nhất trong năm để các con cháu tỏ lòng thành với tổ tiên và những người đã khuất nên nhiều gia đình đã mua đồ mã để cúng rằm.


Xe hơi, iPhone đắt khách


Rằm tháng 7 là dịp thị trường đồ hàng mã “vào mùa”. Có những gia đình chỉ mua ít tiền vàng để làm lễ cúng nhưng cũng có những gia đình sắm sửa đồ mã khá tốn kém. Anh Nguyễn Sơn Hùng, ở phố Đê La Thành cho hay: “Rằm tháng 7 năm nay, gia đình tôi mua sắm cho các cụ rất nhiều loại đồ mã như nhà tầng, ô tô, xe máy SH và cả điện thoại iPhone”.


Đốt vàng mã tại nơi công cộng là vi phạm pháp luật. Ảnh: Lê Phú

 

Dạo quanh các tuyến phố chuyên bán đồ mã như Hàng Mã, Hàng Chiếu, Đồng Xuân đến các chợ dân sinh như chợ Ngọc Hà, chợ Hôm… đều có thể thấy, đồ mã được bày bán rất nhiều. Đồ mã trước đây phổ biến chỉ có mũ, quần áo, tiền vàng thì nay phong phú hơn với các loại nhà lầu, xe hơi và điện thoại y như thật. Các loại đồ mã như quần áo, mũ từ 30.000 - 150.000 đồng/bộ, ô tô từ 100.000 - 150.000 đồng/xe...


Chị Trần Thị Liễu, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ mã trên phố Hàng Chiếu cho biết: “Năm nào cũng vậy, khách hàng mua đồ mã đông nhất từ ngày 10, 11 tháng 7 Âm lịch. Với những người thích mua đơn giản thì họ thường chọn một bộ đồ mã gồm ngựa 50.000 đồng/con, quần áo 40.000 đồng /bộ, thêm 10.000 đồng tiền vàng nữa, tổng chi phí vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có những gia đình mua sắm đồ mã gồm cả nhà biệt thự, xe ô tô với chi phí lên tới hàng triệu đồng”.


Đừng lãng phí


Đại đức Thích Thanh Tuấn, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Lễ Vu Lan là dịp để con cái báo đáp công ơn cha mẹ sinh thành, từ đời này sang đời khác và để đáp đền công ơn đó, con cái phải tích đức tu nhân, giúp đỡ người nghèo, làm những điều thiện, cầu siêu cho tiên tổ được siêu đăng Phật quốc. Theo tín ngưỡng truyền thống, Rằm tháng 7 Âm lịch còn gọi là ngày "xá tội vong nhân". Người con muốn cha mẹ, cửu huyền thất tổ được xá tội, được giảm ác nghiệp phải chăm làm việc thiện, hồi hướng công đức cho cha mẹ sớm về nơi an lành.


Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa đó, ngày lễ Vu Lan đang bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố mê tín dị đoan, phi Phật giáo, trong đó có việc mua sắm và đốt đồ mã. Ai cũng biết đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song dường như ít ai nhận ra rằng đó là một sự lãng phí lớn và tục đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.


Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.


Theo Đại đức Thích Thanh Tuấn, đốt vàng mã không những vừa hao tài tốn của, không giải quyết được việc gì mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường; tiền vàng, quần áo đốt xong, than tro trở lại với người trần, người âm không được hưởng. Tích đức tu nhân, làm việc thiện là cách báo hiếu, cách để "xá tội vong nhân" tốt nhất.

 

Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/9/2010) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Trong đó, tại điểm c, Điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Quy định này được đánh giá là cần thiết vì sẽ hạn chế được những khoản tiền không nhỏ và cũng hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.


Thanh Vân - Tuấn Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN