Đến Mường Tè vui Tết Hồ Sự Chà

Người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu không chỉ có nét văn hóa độc đáo qua các lễ hội “Gạ Ma Thú”, “Jé Khù Chà”, hay tục đám cưới, kiến trúc riêng trong ngôi nhà trình tường, mà Tết truyền thống Hồ Sự Chà của dân tộc được tổ chức tưng bừng, nhộn nhịp nhất và nó còn lưu lại những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc rất riêng.

Người Hà Nhì ở đây thường chọn 3 ngày trong tháng con chuột (Hu - Pa - La), khi ấy mùa màng đã thu hoạch xong, tức là khoảng thời gian vào tháng 11 dương lịch để ăn tết. Tết bắt đầu vào ngày rồng, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản tổ chức sớm hay muộn. Năm nay, bà con người Hà Nhì ở xã Thu Lũm ăn tết vào mùng 9/11 dương lịch, còn xã bên cạnh Ka Lăng thì thường tổ chức tết muộn hơn một tuần. Để chuẩn bị Tết Hồ Sự Chà, các gia đình đồ xôi, giã bánh dày, làm bánh trôi. Các gia đình làm rất nhiều bánh dày, cứ hai cái một cặp để dâng tổ tiên, sau đó thì chia cho con cháu hưởng lộc, phần còn lại thì gia đình làm quà cho khách. Trong ngày Tết, người Hà Nhì dâng 3 cái bánh trôi lên bàn thờ tượng trưng cho con người, lương thực, thực phẩm; 3 bánh này hết tết sẽ được bỏ vào bếp lò nướng xem cái nào phồng to thì biết năm tới thứ đó sẽ phát triển tốt nhất.

Các gia đình tổ chức gói bánh dày để cúng tổ tiên và ăn Tết.

Các gia đình mang quà đến biếu và chúc sức khỏe nhau.


Mâm cúng sáng ngày thứ nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, gói muối ớt còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, các sản vật trồng trong vườn nhà, lấy mỗi thứ một ít. Người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, sáng ngày mùng 1 Tết, con cháu nội ngoại đều đến chúc Tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Sau khi cúng xong thì cả gia đình cùng ăn bữa cỗ mừng năm mới. Cháu nội, cháu ngoại cũng được ông bà chia lộc và cầu phúc cho lớn nhanh, mau chóng trở thành trụ cột trong gia đình. Con dâu mới trong nhà được mẹ chồng cho lộc cúng bàn thờ và cầu mong cho con dâu khỏe mạnh, gia đình thuận hòa, êm ấm. Ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì rất thích các em bé từ 12 tuổi trở xuống, không kể trai, gái đến xông nhà, đó là điều may mắn của gia đình. Bữa cơm tụ họp gia đình xong, mọi người mặc trang phục truyền thống dân tộc rất đẹp để đi hát, đi chúc Tết từ bản nọ sang bản kia. Thanh niên thường tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh cầu lông gà, hát giao duyên, đánh cù... Có lẽ sôi động nhất là khu vực hát múa cộng đồng, bởi ở đó đông vui, rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống. Vào ngày thứ 3, kết thúc Tết Hồ Sự Chà, tức là ngày con dê (Zo - no), các gia đình làm một mâm lễ cúng Trời Đất để cảm ơn đã ban sức khoẻ, che chở và cầu mong năm mới mùa màng sẽ bội thu, súc vật đầy đàn, mọi người trong nhà được bình an...


Nam nữ cùng ra nơi bãi bằng để chơi cầu lông gà, chơi đánh cù.

Buổi tối các bản tổ chức biểu diễn văn nghệ để mừng năm mới.


Dù những tác động của thời gian, của lịch sử, của sự hội nhập bởi những nền văn hóa khác dường như không ảnh hưởng nhiều đến phong tục tập quán người Hà Nhì. Trong thời hiện đại, bản sắc văn hóa truyền thống trong Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của dân tộc.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN