Dẹp “dịch” tin đồn

Liên tục trong thời gian gần đây, rộ lên rất nhiều tin đồn thất thiệt trong đời sống xã hội, như chuyện bưởi gây ung thư, trứng gà giả, mực cao su, gạo nhựa; tin đồn về cung - cầu ngoại tệ, cung - cầu vàng; rồi tin đồn về những thay đổi trong điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách thuế… và gần đây nhất là tin đồn về đổi tiền. Tin đồn thất thiệt, bịa đặt không những tác động trực tiếp đến tâm lý, cuộc sống của người dân, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội.

 

Thị trường chứng khoán là một trong những nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất của những tin đồn thất thiệt. Những tin đồn ở lĩnh vực nhạy cảm này đã kéo theo sự biến động lên hay xuống, phản ánh không đúng giá trị thực của thị trường này. Nhiều tin đồn thất thiệt về kinh tế hoặc liên quan đến kinh tế, như ông lãnh đạo doanh nghiệp này, ông tổng giám đốc kia bị bắt..., đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Đơn cử như tin đồn về một chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán bị bắt, thì lập tức cổ phiếu của công ty này bị bán tháo. Hoặc như tin đồn ông giám đốc một ngân hàng nào đó vướng vào vòng lao lý, chắc chắn không thoát khỏi cảnh người dân đổ đến ngân hàng đó rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản. Tin đồn ở phạm vi rộng hơn, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nhiều người, ví dụ như với tin đồn đổi tiền gần đây, người dân khi nghe tin đồn này không tránh khỏi hoang mang và lập tức nghĩ đến một kênh đầu tư khác để giữ tiền an toàn hơn…


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tin đồn luôn có đất tồn tại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn thì rất hay phát sinh những thông tin có tính dự đoán, bé xé ra to. Trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng lại thiếu nhạy bén trong xử lý, thu thập thông tin và giải thích kịp thời cho người dân hiểu. Ngoài ra, cơ quan pháp luật vẫn không tìm được điểm xuất phát của tin đồn để xử lý. Trên thực tế, có rất nhiều tin đồn trong một thời gian dài mà không xác định thủ phạm, nhất là kiểu thông tin truyền miệng như: cửa hàng này bán đồ giả, công ty kia bán đồ kém chất lượng, hay những loại thông tin như ăn cá kèo bị ung thư, xăng, gạo sắp tăng giá như đã từng xảy ra.


Rõ ràng, tin đồn chẳng khác gì loại dịch nguy hiểm và cảnh giác với nó là điều cần thiết lúc này. Thực tế cho thấy, hiện chúng ta chưa có một quy định chính thức nào yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước (nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng…) phải truy nguyên tin đồn để kịp thời đưa ra các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, loại trừ nó. Đặc biệt, rất cần một động thái cương quyết từ các cơ quan pháp luật trong việc đấu tranh loại trừ các tin đồn, gây tác động xấu trong đời sống xã hội.


Điều nữa, cũng không kém phần quan trọng là mỗi người dân cần chắt lọc kỹ càng trước mỗi tin đồn và có bản lĩnh vững vàng trước những tin đồn nhiễu loạn, có động cơ xấu.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN