“Địa tầng đứt gẫy” – Một tiểu thuyết ấn tượng

“Địa tầng đứt gẫy” là một cuốn tiểu thuyết luận đề của nhà văn Nguyễn Tiến Hóa. Một người đã từng học tập, công tác, gắn bó với Liên Xô trong nhiều năm.


Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một tác giả Việt Nam lấy vấn đề sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu làm đề tài của tác phẩm. Tác phẩm đã tái hiện tổng thể một bức tranh hoành tráng và bi kịch của quá khứ, trong giai đoạn thoái trào của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” ở Liên Xô và Đông Âu, thông qua những thân phận những con người Xô viết, và thân phận những người Việt Nam đã từng sống, học tập, công tác và mưu sinh tại Liên Xô. Tác giả đã tập trung phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự tan rã Liên bang, đồng thời đưa ra những nhận định mới về sự đổ vỡ Liên Xô và dự báo mô hình xã hội tốt đẹp của loài người trong tương lai. Với bút pháp dồn nén, mạch văn đa thanh, đa chiều của tiểu thuyết hiện đại, cấu trúc biến đổi lớp lang, mâu thuẫn phức hợp đan xen, các tình huống kịch tính được đẩy đến cao trào giữa các nhân vật chính và phụ, giữa đơn tuyến và đa tuyến, giữa cá nhân và cộng đồng, và mối quan hệ chằng chịt giữa những người Việt Nam và những người Xô viết nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau. Tác giả đã lột tả được hiện trạng sống động, bi hùng của xã hội Xô viết qua các thời kỳ hưng thịnh, thoái trào và sụp đổ.


“Dưới con mắt nhìn sắc sảo và sự thâm nhập khá sâu vào xã hội Liên Xô của một nhà quản lý, nhà ngoại giao, và đông đảo những người lao động Việt Nam hiện diện ở đó vào thời kỳ chuyển biến khốc liệt này, cộng với các mối quan hệ đa dạng và thân thiết của họ với nhiều tầng lớp người Nga, tác giả đã hé mở cho chúng ta thấy bề sâu của các suy nghĩ, trải nghiệm của nhiều tầng lớp người Xô viết, những người Việt Nam với xiết bao thăng trầm và nghiệt ngã, với những hy vọng và thất vọng trong một cuộc “đại giải phẫu đổi đời” mà họ không hề mong muốn”. Với lối dẫn truyện hấp dẫn, lôi cuốn, khi thì dồn nén, triết luận, khi thì tuôn trào ào ạt, trần trụi sống động như những trang ký sự còn hầm hập hơi thở của dòng sự kiện. Các nhân vật Nga, Việt được đan cài gắn kết trong nhiều tình huống khoảnh khắc, được khắc họa rõ nét về tính cách, quan điểm, những suy nghĩ vò xé tâm can trong một cuộc đổi đời dâu bể. Đó là số phận những con người đã một thời được người ta ngưỡng mộ kính trọng nay bị bật khỏi chính trường. Là những chính khách một thời vang bóng, nay phải vác bị đứng đường, những giảng viên đại học thất nghiệp phải dọn bàn, lau nhà vệ sinh, và những nguyên soái tướng lĩnh thất sủng, tự nguyện “về với chúa”. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng gắn liền với thân phận những người lao động Việt Nam đi tìm sự đổi đời ở một xứ sở mà từ bao lâu nay họ vẫn nghĩ về một “miền đất hứa” và kết quả phải thất vọng ra về với hai bàn tay trắng…


“Địa tầng đứt gẫy” đã phác họa bức tranh toàn cảnh của xã hội Liên Xô thời đó, với những nét chấm phá sinh động, sắc sảo, gợi mở, khơi gợi, dũng cảm, quyết liệt, phơi ra những điều mà cho đến nay người ta vẫn chưa biết, bỏ qua hoặc né tránh.


Cuốn “Địa tầng đứt gẫy” là cuốn tiểu thuyết, lấy chính biến ở Liên Xô làm đề tài chính, hy vọng sẽ đem đến cho độc giả, những chia sẻ, và giải đáp về những gì mà những người quan tâm mong muốn. Người đọc không dễ thưởng thức mà phải suy ngẫm cùng người viết, để có được những kết luận xác đáng. Mỗi một dân tộc, mỗi một đất nước đều có thể rút ra những bài học bổ ích và hướng đi từ sự đổ vỡ này. Và đó chính là tâm niệm, ý tưởng và thông điệp của tác giả gửi tới mọi người.


Cao Tiến Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN