Dịch cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng

Dịch cúm gia cầm đang lan nhanh sang nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tỷ lệ lưu hành virút cúm A/H5N1 ở các địa phương đang rất cao, trung bình cứ 100 con gia cầm thì có 6 con mang virút. Trong số 100 chợ bán gia cầm thì có 61 chợ lưu hành virút này.


Tốc độ chóng mặt


Đầu tuần, tính tới ngày 17/2, cả nước mới xuất hiện 24 ổ dịch tại 11 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 23.800 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 30.700 con (tiêu hủy cả những con chưa mắc bệnh nhưng trong cùng đàn).

 

Khử trùng các phương tiện tại huyện Sa Pa (Lào Cai).
Ảnh: Nguyễn Thắng- TTXVN


Tới cuối tuần, ngày 21/2, dịch cúm gia cầm đã lan ra với 67 ổ dịch tại 17 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là gần 61.200 con; số gia cầm tiêu hủy là 84.600 con.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Số liệu cập nhật của Cục Thú ý cho thấy, số ổ dịch và gia cầm mắc bệnh ngày càng tăng.

17 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa.


Thực tế, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Thậm chí, có tỉnh xuất hiện cả bệnh lở mồm long móng trên gia súc.


Theo Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, trong khi dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu lây lan nhanh với nhiều diễn biến phức tạp, thì dịch lở mồm long móng cũng được phát hiện ở 4 con trâu của 4 hộ dân của xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh).


Cần Thơ cũng là địa phương mới bùng phát dịch cúm gia cầm và đang trở thành điểm nóng. Ngày 20/2, UBND TP Cần Thơ đã công bố dịch cúm gia cầm xảy ra tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền.


Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú ý TP Cần Thơ, cho biết: ổ dịch được phát hiện ở đàn vịt 2.100 con vào ngày 19/2. Sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Tân Thới, Chi cục Thú y TP Cần Thơ đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, đến chiều 20/2 cho kết quả là dương tính. Đáng lưu ý, xã Tân Thới, huyện Phong Điền dù chưa hết 21 ngày kiểm soát dịch cũ đã xuất hiện 2 ổ dịch mới. Do đó, TP Cần Thơ đã quyết định công bố dịch cúm gia cầm tại xã này.


Tại miền Bắc, đã có hai tỉnh Nam Định và Lào Cai xuất hiện dịch cúm gia cầm. Theo một lãnh đạo của thành phố Nam Địch, vi rút cúm A/H5N1 xuất hiện trên 500 con gia cầm tại xã Giao Hà. Nam Định đã tiến hành tiêu hủy triệt để đàn gia cầm nhiễm bệnh, tuyên truyền các giải pháp phòng chống bệnh, tiêm vắcxin cho 100% đàn gia cầm của xã Giao Hà và các xã lân cận, tiến hành kiểm tra sức khỏe người dân.


Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng cho biết, tỉnh đã tiến hành khoanh vùng ổ dịch và tiêu hủy toàn bộ gia cầm chết và có dịch với tổng số khoảng 7.000 con. Tỉnh cũng cấp phát 5.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc khu vực vùng dịch và xung quanh vùng dịch. Hoạt động vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch và tỉnh Lào Cai bị đình chỉ.


Đề xuất thêm vắcxin


Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sự bùng phát của dịch cúm gia cầm chưa lên đến đỉnh và còn có thể lan rộng hơn nữa. Nếu các địa phương không có các biện pháp kiểm soát thì mức độ lây lan sẽ nhanh chóng hơn.


“Kinh nghiệm cho thấy, khi có nhiều gia cầm mắc cúm thì nguy cơ lây lan dịch cúm sang người và tử vong là rất cao. Thực tế, đã có 2 trường hợp tử vong tại các tỉnh phía Nam. Đây sẽ là điều không mong muốn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.


Hiện các tỉnh có dịch đang khẩn trương khoanh vùng dịch, tiêu hủy gia cầm, không để dịch lây lan. Các tỉnh chưa có dịch nhưng nằm giáp biên giới cũng đang tăng cường kiểm soát, không để virút cúm xâm nhập vào đàn gia cầm.


Tại Quảng Ninh, tỉnh đã nghiêm cấm mọi hình thức nhập khẩu, cho tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm ở các khu vực biên giới, thành lập 6 chốt, trạm kiểm soát dịch tiếp giáp với các tỉnh, thành phố lân cận, lập 32 tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra tình hình chống dịch tại các tuyến biên giới, chợ, trung tâm thương mại và vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch ...


Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, Đại tá Vi Đình Diêm cho biết, lực lượng bộ đội đã lập 24 lều bạt, tại các đường mòn, lối mở để chốt chặn tại các khu vực trọng điểm là khu vực Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma; xây dựng tường kiên cố và rào thép gai tại các đường mòn và tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các đường mòn qua biên giới để ngăn chặn triệt để các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, mang vác hàng lậu qua biên giới nói chung, buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nói riêng.


Để phòng bệnh cho đàn gia cầm, các tỉnh, thành phố đang yêu cầu Bộ NN&PTNT cấp phát thêm vắcxin để tiêm phòng và hóa chất để khử trùng tiêu độc.


Bà Mai Hoan Niê K'dăm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nguy cơ phát sinh ổ dịch vẫn cao, tỉnh đang chỉ đạo thống kê đàn gia cầm trên toàn tỉnh, rà soát tiêm phòng vắcxin. Chúng tôi đang đề nghị Trung ương hỗ trợ hóa chất để tiêu độc khử trùng và vắcxin tiêm phòng.


Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng đề nghị cấp thêm cho tỉnh 500.000 liều vắcxin phòng cúm gia cầm, 10.000 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng. Hiện tổng số gia cầm của tỉnh xấp xỉ 4 triệu con, nếu không hành động quyết liệt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con.


Tỉnh Phú Yên cũng đề nghị hỗ trợ 3 triệu liều vắcxin cúm gia cầm, Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ 1 triệu liều vắcxin cúm gia cầm. Bộ NN&PTNT cho biết, hiện vắcxin dự phòng của Bộ còn lại 33,5 triệu liều. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ bổ sung dự phòng thêm 60 triệu liều vắcxin.


Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm. Các địa phương tuyệt đối không được giấu dịch.


H.V- TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN