Cũng người khuyết tật, lại dịch sách của Nick Vujicic từ ngôn ngữ nguồn, tôi thấy tôi và Nick rất đồng cảm. Từ những nỗi sợ mình trở thành gánh nặng hay những chuyển biến trong tâm lý để dần dần chui ra khỏi lớp vỏ ốc cồng kềnh. Đến giờ, cả tôi và Nick đều luôn cố tìm những vận may trong những lúc bị cuộc đời đánh gục”, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ.
Bìa cuốn tự truyện “Không thể gục ngã” của dịch giả Nguyễn Bích Lan. |
“Không thể gục ngã” là tên cuốn tự truyện mới ra mắt của Bích Lan. Cái tên thoạt nghe có vẻ “lên gân lên cốt” song kỳ thực, nó tóm lược hoàn chỉnh cuộc đời cô. Như bao bi kịch, tự truyện của Nguyễn Bích Lan mở đầu khá êm đẹp:
“… Tôi từng là đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi, hễ chạm chân xuống đất là ríu rít nhảy chân sáo. Tuổi thơ tôi miên man trong gió đồng và những trò chơi thơ dại. Những ngày cắp sách tới trường của tôi đầy bóng chữ và cả một thế giới văn chương lung linh mà tôi tự đắp xây bằng những quãng thời gian đọc vụng trộm tủ sách của ông nội. Chưa có gì trong cuộc sống khiến tôi phải nghĩ ngợi.
Tôi hồn nhiên đi qua tuổi thơ đến mức chưa kịp nuối tiếc khoảng thời gian thần tiên ấy. Rồi tôi chạm vào cánh cửa tuổi thanh xuân, nhìn thấy bóng dáng mình ở thời thiếu nữ. Tất cả những cảm xúc xốn xang, những thoáng xáo động chỉ vừa chớm nở, hé mở trong tâm hồn trong veo…” - Bích Lan viết.
Vào một ngày định mệnh, năm Bích Lan lên 13 tuổi, cô bỗng ngã quỵ xuống đất, đầu gối đau điếng. Từ cú ngã ấy, bệnh tật ập tới và kéo dài suốt tuổi thanh xuân của Lan là những đớn đau và tủi hận. Căn bệnh loạn dưỡng cơ đã khiến Lan không thể tự đứng trên đôi chân mình. Cô lê từng bước nhọc nhằn tới trường, gắng bò qua bậc thềm để vào lớp. Song bệnh tình mỗi lúc một trầm trọng khiến Lan buộc phải chấp nhận việc thôi học. Tuổi thần tiên của Lan khép lại với bốn bức tường nhà bức bí và tuyệt vọng.
Nhưng tình cờ, Lan xem cuốn từ điển tiếng Anh của người em trai. Và thế là cô học tiếng Anh. Với một cuốn từ điển, một cái radio, Lan tự học ròng rã suốt 6 năm trời trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10 mét vuông. “Đôi lúc tôi phải tự tưởng tượng ra có một người bên cạnh để trò chuyện, luyện tập” - Lan kể.
Sau đó, “lớp học Cây Táo” của cô giáo Bích Lan được mở. Không lâu sau, từ Thái Bình, lớp học của cô giáo tật nguyền nổi tiếng khắp cả nước. Cô giáo phải ngồi xe lăn không làm nên “thương hiệu” của lớp học. Cách dạy, tinh thần truyền lửa, cùng vốn ngoại ngữ rất vững của cô giáo Bích Lan mới khiến lớp học mỗi lúc một đông.
“Đứng lớp” được 4 năm, bệnh loạn cơ dưỡng của Lan biến chứng sang tim, Lan phải nằm liệt giường. “Không thể gục ngã”, định mệnh lại xếp đặt Lan tiếp cận máy tính và Internet trong thời gian này.
Cô chuyển sang dịch thuật sách văn học. Và từ đó đến nay, cô đã có 24 đầu sách dịch. Trong đó có nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Đặc biệt, cuốn “Triệu phú khu ổ chuột” của Bích Lan đã giành giải dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.
“Đã có lúc, tôi tưởng như hoàn toàn phủ phục trước định mệnh. Song văn học bước tới và nó như một thang thuốc, một ngôi sao cứu rỗi tôi.”- dịch giả Bích Lan nói.
Trong các tác phẩm dịch của Bích Lan, có hai tác phẩm gây tiếng vang lớn và có quan hệ mật thiết với dịch giả là cuốn “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” của Nick Vujicic. Được xem là “chàng sọ dừa tái thế”, Nick sinh ra đã không tay, không chân. Thời niên thiếu của anh gắn với những lần… tự tử. Song khi cái chết chối bỏ anh, anh hiểu: Mình phải sống một cuộc sống đàng hoàng. Nick luyện tập và dần trở thành diễn giả nổi tiếng khắp thế giới. Anh mở công ty, lập gia đình, sống một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Anh dần trở thành biểu tượng về sức sống và nghị lực của con người.
Tháng 5 này, Nick sang Việt Nam diễn thuyết, và Bích Lan là người được BTC bố trí đón Nick ở sân bay Tân Sơn Nhất. “Đồng cảm, mến mộ anh qua từng trang viết, tôi đã là người Việt Nam đầu tiên ôm Nick”- Bích Lan nói. Có lẽ, với những người bình thường, khỏe mạnh, việc đó không nhiều ý nghĩa. Nhưng với Bích Lan, đó là niềm mong mỏi có được cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với những người đồng cảnh khuyết tật.
Lệ Thanh