* Sau gần một tuần tái bùng phát dịch lợn tai xanh, đến sáng ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gần 300 con lợn của 14 hộ gia đình tại huyện Điện Bàn bị nhiễm bệnh, trong đó đã tiêu huỷ bắt buộc 125 con.
Ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên xuất hiện trên đàn heo 64 con của bà Huỳnh Thị Tám ở thôn Tứ Hà, xã Điện Ngọc. Chỉ trong trong thời gian ngắn, vi rút gây bệnh đã làm hơn 280 con lợn của 14 hộ chăn nuôi trong xã bị nhiễm bệnh nặng. Để sớm khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, lực lượng thú y của tỉnh và chính quyền huyện Điện Bàn tiếp tục tiêu hủy khẩn cấp 58 con lợn bị nhiễm dịch tai xanh của 6 hộ dân ở thôn Tứ Hà và Tứ Ngân (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn).
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những đàn lợn bị dịch tai xanh này đều chưa được tiêm phòng. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thú y cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các ban ngành chức năng tiến hành khoanh vùng, rà soát và tiêu độc khử trùng, bắt buộc tiêu huỷ với những con lợn mắc bệnh nặng. Để đề phòng và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng, các chủ hộ chăn nuôi cần tích cực, tự giác phối hợp với lực lượng chức năng theo dõi diễn biến tình trạng bệnh trên đàn lợn của mình, kịp thời báo cho thú y cơ sở biết để có hướng xử lý thích hợp.
* Sau khi công bố dịch lợn tai xanh tại 2 xã Tân Bình Thạnh và Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh triển khai ngay các biện pháp khống chế, bao vây các ổ dịch; đồng thời, tổ chức kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và thịt lợn trên địa bàn.
Sau thời gian tạm lắng, hiện bệnh tai xanh trên lợn tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bùng phát trở lại và đang diễn biến phức tạp. Đến nay, tại hai xã Trung Hòa và Tân Bình Thạnh có 21 hộ có đàn lợn với gần 500 con nhiễm bệnh; đã tiêu huỷ 46 con lợn nhiễm bệnh. Để hạn chế dịch bệnh, ngành thú y Tiền Giang tăng cường công tác giám sát, tổ chức ra quân tiêu độc khử trùng, giúp hộ nuôi vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu diệt mầm bệnh và tiêu huỷ toàn bộ số lợn bệnh chết và bệnh nặng. Ngành thú y tỉnh đang tiến hành tiêm phòng 11.000 liều văcxin tai xanh trên lợn ở địa bàn hai xã đã công bố dịch để bao vây ổ dịch, khống chế không để lây lan sang địa phương khác./.