“Điện Biên Phủ trên không” trong ký ức chuyên gia Liên Xô

Dù đã 40 năm trận “Điện Biên Phủ trên không” lùi vào lịch sử, những chàng trai trẻ năm nào giờ đã lên ông, sức khỏe không còn cho phép họ nói chuyện sôi nổi hàng giờ về những ngày bầu trời Hà Nội rực lửa, song các chuyên gia Liên Xô từng giúp đỡ Việt Nam trong những năm chiến tranh vẫn nhớ như in từng trận đánh của 12 ngày đêm quyết tử giữ bầu trời Thủ đô.


 

Thượng tướng Anatoli Khiupenen.

 

Ngồi giữa Mátxcơva, cách nơi từng xảy ra các trận không chiến ác liệt năm xưa hàng chục nghìn km, nhưng cái cách họ lần giở từng trang hồi tưởng khiến ai cũng nghĩ như chuyện mới ngày hôm qua.


Người đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là Thượng tướng Anatoli Khiupenen, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1972 - 1975. Chẳng đợi hỏi han nhiều, ông bắt đầu ngay câu chuyện về những ngày Mỹ ném bom Hà Nội. Trong câu chuyện bằng tiếng Nga, thi thoảng xen vào cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” lơ lớ tiếng Việt, ông kể: “Có hai trận đánh đáng nhớ nhất ở Việt Nam là Điện Biên Phủ và Hà Nội thì cả hai cường quốc quân sự thế giới là Pháp và Mỹ đều thua.


Cách họ thua giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian và mặt trận: một thua năm 1954 và một thất trận năm 1972; một thua trên bộ và một bại trên không. Người Mỹ rõ ràng kỳ vọng Việt Nam sẽ đặt bút ký Hiệp định Pari vào khoảng ngày 13 - 14/12/1972 với những điều kiện do họ áp đặt. Chính vì không đạt được mục đích này, họ đã ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam với âm mưu làm đất nước tê liệt và gây khủng hoảng tâm lý dân chúng. Nhưng cuối cùng họ đã phải hứng chịu thất bại. Người Mỹ thua vì họ quên mất rằng, trước họ, lần lượt phong kiến Trung Quốc, Pháp, Nhật rồi lại đến lượt Pháp đã phải đầu hàng nhân dân Việt Nam.

 

Trung tướng Victor Philipov (ngồi phía trong).

 

Nhìn trận không chiến dưới con mắt một nhà quân sự chuyên nghiệp, ông Khiupenen tiếp tục câu chuyện của 40 năm về trước: “Trong hơn 10 ngày oanh kích Hà Nội, người Mỹ đã áp dụng các chiến thuật ném bom khác nhau, từ rải thảm đến tiêu diệt từng mục tiêu riêng lẻ, từ tầm thấp đến tầm cao, từ đêm sang ngày... nhằm khiến lực lượng phòng không - không quân Việt Nam không kịp trở tay. Họ tính toán hạ gục hệ thống phòng không của Hà Nội trước rồi mới oanh tạc Thủ đô và các vùng lân cận.


Song với những thông tin tình báo kịp thời và sự chỉ huy tài tình của các nhà quân sự Việt Nam, lực lượng phòng không Việt Nam đã nắm được thế chủ động trước từng trận đánh. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ phòng không Việt Nam cũng có sự trưởng thành và rút ra bài học rất nhanh chóng. Nếu ngày đầu Mỹ ném bom, tôi nhớ là ngày 18/12, phòng không Việt Nam phải bắn tới 35 quả tên lửa mới tiêu diệt được 1 máy bay B52 của Mỹ thì đến ngày 26/12 chỉ bắn 42 quả đã hạ gục tới 5 máy bay B52. Với hiệu quả đánh trả như thế, người Mỹ đã không thể tiếp tục tự tung tự tác trên bầu trời Hà Nội”.


“Tôi có cảm giác rằng người Mỹ cố tình sử dụng miền Bắc Việt Nam như một bãi thử các loại vũ khí tối tân nhất của họ lúc bấy giờ, như bom laser, máy bay trinh sát không người lái chẳng hạn, là những khái niệm hoàn toàn mới đối với giới quân sự thời đó. Nhưng điều quan trọng nhất là chính họ đã phải chịu thua, thừa nhận thất bại và ngồi vào bàn đàm phán” - Thượng tướng Khiupenen kết thúc câu chuyện của mình bằng nhận định như vậy.


Cũng từng có mặt tại Việt Nam vào những tháng ngày lịch sử ấy, Trung tướng Victor Philipov, Cố vấn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 263, Sư đoàn 4 - Quân khu 4 giai đoạn 1960 - 1975 rành rọt kể: “Khi công tác tại Việt Nam, tôi chủ yếu hoạt động ở thành phố Vinh, thuộc Quân khu 4. Tôi nhớ năm đó là 1972, khoảng tháng 11 thì bắt đầu có thông tin Hà Nội sẽ bị ném bom. Nhóm chuyên gia chúng tôi lập tức được điều động ra tăng cường cho một đơn vị tên lửa đóng ở ngoại thành Hà Nội. Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ vì Mỹ ném bom dữ dội ngay từ lần oanh tạc đầu tiên. Bom rơi cách chỗ chúng tôi phục kích chỉ hơn chục mét”.


Còn đây là cảm nhận của ông về những người đồng nghiệp Việt Nam: “Các sỹ quan Việt Nam chiến đấu cùng với chúng tôi phải nói được đào tạo hết sức bài bản. Họ tự chiến đấu mà không cần có sự tư vấn của chúng tôi. Sự tư vấn chỉ cần thiết khi cục diện trận đánh thay đổi căn bản, hoặc cần dự báo chiến thuật lần oanh tạc tiếp theo của không quân Mỹ. Tình cảm của các sỹ quan và nhân dân Việt Nam đối với chúng tôi rất quý báu. Tôi nhớ lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, Người từng nói rằng cần phải hết sức bảo vệ tính mạng của các chuyên gia Liên Xô để máu của họ không phải đổ trên mảnh đất Việt Nam. Có lẽ vì thế mà các đồng nghiệp Việt Nam thường khuyên tôi vào hầm trú ẩn. Nhưng tôi là người được phân công tư vấn cho họ cách đánh thì làm sao có thể bỏ họ lại để đi trú ẩn một mình? Các bạn cũng nên nhớ, lúc đó tôi là người có quyền đưa ra mệnh lệnh, tôi đã đề nghị các sỹ quan Việt Nam vào hầm trú ẩn nhưng cũng không ai chịu đi. Ngay cả anh phiên dịch cho tôi cũng nhất quyết không chịu rời chiến tuyến. Anh ấy được đào tạo không chỉ để thành phiên dịch mà còn là một người lính thực thụ. Hành động này của các sỹ quan Việt Nam khiến tôi một lần nữa nhớ lại lời cụ Hồ Chí Minh có lần nói rằng không một người Việt Nam nào có thể sống yên ổn nếu đất nước còn chưa được thống nhất dù chỉ một ngày”.


Bài và ảnh: Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga)

Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc
Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, ngày 19/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm cán bộ chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN