Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (sau đây gọi tắt là Nghị định 27), đến nay đã có, 118/300 thủ tục hành chính về thuế được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; hệ thống khai thuế qua mạng và dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN. |
Trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên cả nước có 99,81% doanh nghiệp đã tham gia khai thuế qua mạng. Tổng cục Thuế đã kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại. 97% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử; đã thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thành phố và thí điểm cho 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ứng dụng kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh; phối hợp với Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về thí điểm triển khai khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai/ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Xếp hạng Chỉ số Nộp thuế chung của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 là 167/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với Báo cáo môi trường kinh doanh 2016.
Tuy nhiên theo các chuyên gia ngành thuế, Nghị định 27 đã ban hành hơn 10 năm nên đến nay, phần lớn quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính đã không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Quy định về chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử (khoản 3, 4 Điều 6) theo hướng mô phỏng áp dụng đối với phương thức giấy tờ truyền thống, không phù hợp với phương thức xử lý của giao dịch điện tử, làm phức tạp hóa việc ứng dụng giao dịch điện tử, không khả thi áp dụng rộng trong thực tế hiện nay. Nếu tuân thủ đúng các quy định này, giao dịch điện tử sẽ không phát triển được.
Giao dịch điện tử được thực hiện trên các hệ thống thông tin, tuy nhiên quy định về hệ thống thông tin của Nghị định 27/2007/NĐ-CP (Điều 10) còn ít nội dung và thiếu cụ thể, đặc biệt về khía cạnh bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, hầu hết chứng từ điện tử yêu cầu phải minh bạch thời gian khởi tạo chứng từ và các xử lý tác động lên chứng từ. Trong đó, có một số loại chứng từ mà thời gian khởi tạo và xử lý chứng từ bị ràng buộc các quy định quản lý chuyên ngành, có thể gây tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch điện tử. Nghị định 27 chưa quy định về bảo đảm tính chính xác về thời gian cho giao dịch điện tử.
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, trong đó hướng đến nhóm đối tượng là “khách hàng”, trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ giao dịch điện tử, đó là cộng đồng doanh nghiệp.
Điều kiện cơ bản để tham gia giao dịch điện tử đối với tổ chức, cá nhân là phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet. Trong những năm gần đây, máy tính, điện thoại thông minh và Internet đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê vào tháng 6 năm 2016, Việt Nam có gần 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Đây là yếu tố quan trọng, thuận lợi cho việc thúc đẩy sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, và cũng là điều kiện cần xem xét khi xây dựng quy định về giao dịch điện tử để đảm bảo sự phù hợp với trình độ phát triển của xã hội.