Theo đó, nhiễm vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Vi rút Zika thuộc chi Flavivirus, họ Flaviridae.
Bệnh do vi rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Về triệu chứng lâm sàng: Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, trong đó từ 60% đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt (bệnh nhân thường sốt nhẹ 37,5 độ C đến độ C), ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Bệnh có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.
Đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm vi rút Zika , cần theo dõi siêu âm thai để có thể phát hiện biến chứng não bé ở thai nhi.
Việc chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ khi người bệnh có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do vi rút Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh); có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi; không xác định được các căn nguyên gây bệnh khác (sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya...).
Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhập. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
Bệnh được phát hiện trên khỉ Rhesus tại Uganda vào năm 1947 và phát hiện trên người vào năm 1952 tại Uganda và Tanzania. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh do vi rút Zika hiện đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Tính đến ngày 19/1/2016 đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika.