Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã diễn ra được hơn 3 năm. Theo yêu cầu đề ra thì các doanh nghiệp sẽ đóng góp 20% nguồn lực để xây dựng NTM. Nhưng cho tới nay, nguồn lực do khối này đóng góp chỉ là 5% và vai trò còn khá mờ nhạt.
Ngại do lợi nhuận thấp
Theo Văn phòng điều phối T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, theo mục tiêu ban đầu đề ra, 40% nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM được huy động từ ngân sách Nhà nước, 20% từ doanh nghiệp - HTX và 10% do người dân đóng góp. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, vốn từ ngân sách Nhà nước vẫn chiếm tới 50% tổng nguồn vốn của chương trình, (ngân sách T.Ư 4.920 tỷ đồng, ngân sách địa phương 30.091 tỷ đồng), còn khối doanh nghiệp mới chỉ đóng góp được 5%.
Hệ thống kênh mương của xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội được kiên cố hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Ông Ngô Tiến Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp là do xác suất rủi ro cao, thu hồi vốn chậm trong khi sản xuất còn phân tán, thiếu quy hoạch.
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Qua triển khai tại 11 xã điểm NTM T.Ư cho thấy, các doanh nghiệp khi thấy có cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất cải thiện, có khả năng thu lợi nhuận thì mới đầu tư vào sản xuất. Mặt khác, các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi thấy được hiệu quả sản xuất mới cho doanh nghiệp, người dân vay vốn”.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp còn đang bị “tắc” do cơ chế, chính sách chưa thông thoáng.
“Các bộ, ngành còn lúng túng khi đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ - CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, hiệu quả của việc triển khai Nghị định 61 còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do cơ chế còn chung chung và số tiền hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là lấy từ ngân sách địa phương trong khi nhiều tỉnh còn nghèo”, ông Tiến nói.
Một vấn đề nữa khiến việc đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn hạn chế là: “Hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng trên 30%. Hơn nữa, doanh nghiệp nông thôn thường có quy mô nhỏ và lợi nhuận thấp. Do vậy, chính sách doanh nghiệp khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn chưa phát huy được hiệu quả”, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Tháo dần các “nút thắt”
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015, cả nước có 20% số xã đạt chuẩn NTM, tương đương khoảng 1.800 xã. Để đạt được mục tiêu trên, cần nguồn lực khá lớn, trong đó đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, cơ hội hợp tác công - tư để xây dựng nông nghiệp, nông thôn là rất rộng mở, nhất là trong các lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng; cấp nước sinh hoạt; thu gom, xử lý rác thải; chuyển giao công nghệ; đào tạo lao động... Tuy nhiên, để địa phương hợp tác với doanh nghiệp vẫn cần cởi dần các “nút thắt”.
Theo đó, tháo gỡ “nút thắt” đầu tiên là cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp: “Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, thay thế Nghị định 61 theo hướng cơ chế thu hút doanh nghiệp phải cụ thể vào từng nội dung trọng tâm của từng tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có tờ trình đề xuất sửa đổi cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Quan điểm sửa đổi của Bộ là đi vào nội dung, mặt hàng, ngành nghề cụ thể, gắn với quy hoạch và đào tạo nghề”, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết.
Cùng với đó, để tăng nguồn lực cho các địa phương: “Cần có cơ chế điều phối chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tăng cường phân cấp tối đa cho cấp tỉnh, thành phố. Như vậy, các tỉnh, thành phố sẽ quyết định việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ các chương trình, dự án cho hiệu quả trên địa bàn phù hợp”.
Bên cạnh đó, “cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp cận vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, ghi nhận, tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp, đóng góp cho chương trình xây dựng NTM để khuyến khích toàn thể cộng đồng tham gia”, theo ông Nguyễn Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, ông Ngô Tiến Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
V.T