Bước sang tháng 3, những vùng điều trọng điểm như Đồng Nai, Bình Phước... bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Giá điều nguyên liệu đang được các doanh nghiệp (DN) tranh nhau thu mua với mức giá cao đã đẩy không ít DN ngấp nghé bờ vực thua lỗ.
Giá tăng chóng mặt
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, người trồng điều năm nay đang hưởng lợi lớn nhờ điều nguyên liệu đang được thu mua với mức giá cao. Mới đầu vụ nhưng giá điều tươi đã tăng lên mức 25.500 - 26.000 đồng/kg, còn điều khô DN nhập kho có giá 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013. “Giá điều tăng có thể do mới vào niên vụ, sản lượng thu hoạch còn ít. Đặc biệt, tỉnh có thế mạnh về điều như Bình Phước mới chỉ thu hoạch được 1 - 2% tổng diện tích điều. Theo tôi, giá điều còn tiếp tục tăng cao cho đến khi vào chính vụ”, ông Họa nói thêm.
Giá điều thô trong nước đang được đẩy lên mức cao. |
Vụ điều năm nay, theo Vinacas, cả nước sẽ được mùa vì thời tiết rất thuận lợi. Dự báo, năng suất điều của cả nước tăng 15 - 20%. Tương tự, các nước trồng điều lớn ở châu Phi dự báo cũng sẽ tăng đến hơn 25% góp phần nâng sản lượng điều thế giới tăng 500.000 tấn so với niên vụ trước. Dựa vào số liệu khảo sát này, Vinacas khuyến cáo các DN mua vào lúc này mà xuất khẩu ngay thì có thể có lãi mặc dù không cao. Nếu DNmua dự trữ rồi xuất sau sẽ khó thoát khỏi thua lỗ. Theo ông Họa, các DN nên mua từ từ, hạn chế tình trạng tranh mua để tránh rơi vào “bẫy làm giá” của các nhà đầu cơ. Hiện giá điều nhân xuất khẩu chỉ ở mức khoảng 6,9 USD/kg, nếu trừ chi phí chế biến thì DN vẫn lỗ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Hoa, Phó Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước cho rằng, nếu so giá điều thô hiện nay với giá nhân điều mà khách hàng châu Âu đang chào mua, thì tính ra, giá thành của nhân điều cao hơn giá bán. Thế nhưng, nhiều DN vẫn đổ xô thu mua điều thô với giá cao. Do giá điều thô trong nước quá cao nên không ít DN đã sớm tính đến chuyện nhập khẩu điều nguyên liệu từ châu Phi. “Các nhà xuất khẩu điều Việt Nam cần thận trọng về giá và thời gian giao hàng vì phải tới tháng 4, châu Phi mới bắt đầu thu hoạch điều. Nếu chúng ta ký hợp đồng nhập khẩu ngay từ bây giờ, chắc chắn sẽ không có hàng ngay”, ông Hoa lưu ý.
Mục tiêu 1,8 tỷ USD
Năm 2014, Vinacas tự tin đưa ra kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu điều sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ USD (năm 2013 đạt 1,66 tỷ USD). Kết thúc hai tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu điều đã đạt 28.000 tấn với giá trị 169 triệu USD, tuy giảm 0,1% về khối lượng nhưng tăng hơn 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Ba thị trường nhập khẩu lớn nhất lần lượt là Mỹ (26%), Trung Quốc (20%) và Hà Lan (gần 10%). Theo tính toán của Vinacas, năm nay sản lượng điều thô trong nước sẽ vào khoảng 350.000 tấn. Vinacas sẽ thu mua toàn bộ sản lượng này, đồng thời nhập khẩu thêm 650.000 tấn điều thô từ Tây Phi, Đông Phi, Đông Nam Á để phấn đấu xuất khẩu 180.000 tấn điều nhân các loại.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, để bảo vệ thương hiệu điều Việt Nam, các DN nên phân luồng sản phẩm xuất khẩu, phân định về xuất xứ. Cụ thể, sản phẩm nào có nguyên liệu xuất xứ châu Phi thì giá thấp hơn, nguyên liệu trong nước thì giá cao hơn. Ngoài ra, các DN cần đẩy mạnh chế biến sâu, quảng bá thương hiệu. Hiện nhu cầu nhập khẩu điều nhân và điều rang muối của Trung Quốc là rất lớn. Do vậy, các DN cần tranh thủ cơ hội này.
“Nhà nước cần sắp xếp lại các cơ sở chế biến điều theo hướng giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư phát triển những cơ sở chế biến và đầu mối xuất nhập khẩu lớn, có trang bị và công nghệ hiện đại. Song song đó, ngành chức năng cũng sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, sản phẩm phụ nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước...”, ông Thanh cho hay.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa