Thực hiện Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp miễn phí một số ấn phẩm báo, tạp chí cho miền núi, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc cung cấp, tuyên truyền đến nhân dân. Thông qua việc đọc sách báo, người dân có cơ hội tiếp cận nhiều kiến thức nông nghiệp, để từ đó vận dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng bào tìm kiếm thông tin trên các ấn phẩm báo, chí |
Những năm gần đây, ở tỉnh Hà Giang xuất hiện hàng trăm gương điển hình làm kinh tế giỏi, một phần không nhỏ dẫn đến sự thành công đó là nhờ báo chí. Một trong những cá nhân tiêu biểu đưa kinh tế gia đình đi lên nhờ thường xuyên đọc báo là trưởng thôn Giàng Mí Lùng, ở thôn Ha Cá, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chỉ trong vòng 3 năm sau khi rời quân ngũ, chàng thanh niên gần 30 tuổi đã có trong tay hàng chục ha cây ăn quả các loại, vài chục con bò và đàn dê hàng trăm con… cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Anh Lùng cho biết: “Làng tôi thuộc vùng sâu, vùng xa, sóng điện thoại không có, nên việc tiếp cận thông tin rất hạn chế. Từ ngày được Nhà nước cung cấp miễn phí các ấn phẩm báo chí về địa phương, bà con học hỏi được rất nhiều kiến thức. Trong số các loại báo, tôi thích nhất là báo Tin Tức và báo ảnh Dân tộc miền núi của Thông tấn xã Việt Nam vì có nhiều bài viết về các mô hình làm kinh tế hiệu quả có thể học hỏi. Có những kiến thức về nông nghiệp sau khi đọc xong tôi phải ghi chép cận thận để áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi”.
Ông Phạm Hải Yến thường xuyên cập nhật thông tin trên báo Tin Tức. |
Cũng vươn lên làm giàu nhờ một phần đọc báo, nhưng ông Phạm Hải Yến ở phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, thì khẳng định, trong số các ấn phẩm báo chí thì ông và người dân xung quanh thường xuyên theo dõi các kênh thông tin của Thông tấn xã Việt Nam nhất, đặc biệt là truyền hình Thông tấn xã và báo Tin tức. Theo ông, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có chức năng định hướng thông tin mà các báo khác không có.
Ông Yến tâm sự: Thông tấn xã Việt Nam thực sự là cầu nối vững chắc giữa nhà nước và nhân dân. Người nông dân có đất, có sức lao động, nhưng lại không biết trồng cây gì nuôi con gì cho phù hợp với địa phương và có giá trị cao trên thị trường. Nhờ theo dõi thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam mà tôi biết nhiều mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương. Tôi đã đến tận nơi để nghiên cứu, học hỏi để về áp dụng cho chính gia đình mình. Những năm gần đây, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều, thành công ấy, một phần không nhỏ là do chăm chỉ đọc báo.
Ông Mai Ngọc Hướng, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã nhận và phát đến tay nhân dân gần 3,5 triệu tờ báo các loại. Nội dung của các báo, tạp chí ngày càng đa dạng, phong phú… Đặc biệt, báo Tin Tức có nhiều bài viết chuyên sâu phản ánh nét đẹp văn hóa của từng vùng, từng dân tộc mang tính nhân văn sâu sắc. gần gũi với người dân.
Các loại báo chí có hình thức và nội dung thông tin rất phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các ấn phẩm báo chí còn có nhiều nội dung phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật phục vụ thiết thực cho lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Các ấn phẩm báo chí được coi là một tài liệu chính trị quan trọng trong công tác quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, số lượng báo vẫn còn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, việc cấp phát nhiều khi không kịp thời. Để khắc phục tình trạng trên cần tổ chức hướng dẫn cho các tổ chức đoàn thể tại cơ sở cách khai thác thông tin, kỹ năng, quy trình cho nhân dân đọc báo và quản lý báo; phát huy các thiết chế văn hóa như bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản; tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong việc cấp phát, quản lý và sử dụng báo chí.
“Nhờ đọc báo Tin tức thường xuyên mà tôi nắm rõ được những thông tin về chính sách về nông nghiệp, chế độ ưu đãi cho người nông dân, sản phẩm nông nghiệp nào có giá trị và được nhà nước khuyến khích sản xuất, việc bao tiêu sản phẩm cho người lao động… Đến nay, nhà tôi đang có 4.000 m2 trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như chuối tiêu hồng, xoài, cam, ổi…”.
Ông Phạm Hải Yến, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang. |