Với người J’rai, Bahnar… ở Tây Nguyên, nhà Rông được coi là linh hồn của làng, là nơi khí thiêng của đất trời, sông núi hội tụ để bảo trợ dân làng…Vì vậy, lễ hội cúng Thần nhà Rông được xem là một trong những lễ hội độc đáo và quan trọng nhất.
Nhà Rông là tài sản vô giá luôn gắn với cộng đồng của mỗi buôn làng Tây Nguyên. Những nóc nhà Rông cao vút chính là sự thể hiện ý chí, khát vọng của dân làng muốn chinh phục và chiến thắng số phận, chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt. Vì vậy, bên cạnh giá trị vật chất, nhà Rông còn là nơi ẩn chứa những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên.
Là nơi thể hiện các lễ hội tâm linh cộng đồng, nơi các nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống,… nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ và là nơi những đứa trẻ từ bé đã được quay quần quanh bếp lửa nghe người già kể chuyện…
Không chỉ vậy, nhà Rông còn là trụ sở bộ máy chính trị của buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách… Và nó cũng là máu, mồ hôi, nước mắt, là niềm vinh quang kiêu hãnh của mỗi làng. Cho nên, nhà Rông chỉ gắn với làng, không có nhà Rông cấp xã, huyện hay tỉnh và nhìn vào ngôi nhà Rông người ta có thể đánh giá được sự hùng mạnh, trù phú của một buôn làng Tây Nguyên. Cho nên, lễ hội cúng Thần nhà Rông luôn là lễ hội lớn và không thể thiếu vào hàng năm đối với mỗi buôn làng.
Những ngày này, thời tiết của cao nguyên đất đỏ bazan luôn tràn ngập cái nắng, cái gió. Khi tiết trời, lòng người nơi nơi đang chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới, thì cũng là lúc người dân ở làng Kliêtb (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) lại hân hoan trong lễ hội cúng Thần nhà Rông của làng mình.
Sau một năm với những vụ mì (sắn), vụ lúa đã được thu hoạch tươm tất thì người J’rai ở làng Kliêtb lại bàn bạc nhau chuẩn bị những ghè rượu cần thật thơm ngon, cùng những lễ vật như: trâu, heo, gà… để hiến tế, tạ ơn thần linh trong lễ hội cúng Thần nhà Rông. Sau khi những lễ vật đã được chuẩn bị xong xuôi, già làng cùng những bậc cao niên sẽ chọn ra một ngày tốt nhất để tổ chức lễ hội.
Khi tiếng chiêng báo hiệu cất lên, tất cả mọi người trong làng từ già, trẻ, gái, trai đều tập trung về khu vực nhà Rông của làng. Lúc này, hàng trăm ghè rượu cần của các gia đình đều được xếp thành từng cặp đối xứng nhau kéo dài từ đầu nhà Rông đến cuối nhà. Riêng ghè rượu (ghè Yàng) cao nhất, to nhất được đặt giữa nhà để bỏ tim, gan và một ít máu của linh vật dùng để hiến tế các vị thần.
Trước đây, trong lễ hội cúng Thần nhà Rông, lễ đâm trâu là một phần không thể thiếu đối với người dân mỗi làng. Tuy nhiên, đến bây giờ, vì nhiều lý do mà đâm trâu đã dần thiếu vắng trong các lễ hội, và con vật dùng để hiến tế thần linh thường là những con heo đực to lớn và gà trống (loại gà mới cất tiếng gáy một lần). Và ở làng Kliêtb cũng vậy, để chuẩn bị cho lễ hội quan trọng này, người dân trong làng đã cất công nuôi được chú heo hơn 1,2 tạ làm vật hiến tế.
Sau khi con heo được tắm rửa sạch sẽ, nó sẽ được mang đến chỗ cây nêu trước sân của nhà Rông để làm thịt, một phần huyết heo, cùng toàn bộ tim và gan sẽ được dùng để bỏ vào chiếc ghè Yàng để dâng lên thần linh. Già làng sẽ lầm rầm những câu cầu khấn Yàng, thần linh để mong cho dân làng có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu, mọi người tránh được thiên tai, dịch bệnh, sống đoàn kết, thương yêu nhau… Khi phần lễ kết thúc, cũng là lúc tiếng cồng, chiêng được vang lên rộn rã theo từng bài hát, những người già, trẻ, gái, trai bước vào phần hội.
Mọi người sẽ cùng nhau chia sẽ những xâu thịt nướng, món cháo lá mì… và dắt tay nhau đến từng ghè rượu của mỗi gia đình để cùng nhau thưởng thức. Và nếu vị khách nào đã “lạc” vào lễ hội này, chắc chắn bạn sẽ phải thưởng thức hết tất cả các ghè rượu cần của mỗi gia đình trong làng. Bởi, người phụ nữ nào cũng muốn các vị khách được thưởng thức sự ngọt ngào từ những ghè rượu do chính tay họ làm ra.
Khi men rượu cần đã “ngấm” dần vào cơ thể, là lúc mọi người trong làng đoàn kết nắm tay nhau cùng thăng hoa trong các điệu múa xoang, tiếng hát, tiếng cồng, chiêng hòa quện vào nhau vút lên không trung làm cho niềm tin vào một mùa màng bội thu, chiến thắng thiên tai, dịch bệnh càng được tăng gấp bội.
Cứ như vậy, lễ hội kéo dài đến vài ngày (tùy vào kinh tế của mỗi làng) tại nhà Rông. Tất cả mọi người cùng ăn, cùng ngủ và cùng nhảy múa trong suốt lễ hội. Khiến sự đoàn kết, tính cộng đồng của người dân trong làng được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết.
Trong niềm hân hoan đầy tự hào, già làng Đinh Dớc (76 tuổi) cho biết: “Cúng Thần nhà Rông là lễ hội không thể thiếu vào hàng năm của làng Kliêtb. Mình cúng là để thể hiện lòng biết ơn của làng đối với Yàng, với thần linh đã phù hộ, che chở cho làng và mong ước người dân trong làng tiếp tục được phù hộ có cuộc sống ấm no, không đau bệnh, mọi người đoàn kết, thương yêu nhau”.
Theo dantri.com.vn