Quang cảnh lễ hội. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Lễ hội được tổ chức gồm 7 công đoạn và 19 nội dung cơ bản như: Nghi lễ cất bốc và an táng hài cốt cho người đã khuất; múa Rzooc; lễ cúng tế; lễ đâm trâu hiến tế; múa cồng chiêng, văn nghệ; các trò chơi dân gian như ném vòng bắt duyên, đi cà kheo, bắn nỏ…
Bên cạnh đó, Lễ hội cũng là dịp để họ hàng, con cháu trong, ngoài làng nhận biết và bày tỏ tình cảm với nhau, tránh nhầm lẫn trong quan hệ hôn nhân. Lễ hội được tổ chức còn góp phần giải quyết việc chuyển dời khu nghĩa địa, quy tụ lăng mộ ở một nơi nhất định, lâu dài; phân công trách nhiệm của từng làng đồng bào dân tộc Pakô...
Già làng Kôn Liên (79 tuổi) ở thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) cho biết: Sau 15 năm, thôn A Đăng mới tổ chức lại lễ hội Ariêuping lớn thế này. Lễ hội năm nay được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các khâu để lễ hội diễn ra an toàn, chu đáo.
Lễ cúng tại nơi các hài cốt được quy tập về trước khi đưa đi an táng tại nhà mồ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Lễ hội được tổ chức trở lại cũng chính là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với cha ông, với những người đã khuất, thể hiện nét văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pakô được truyền lại từ xưa đến nay…
Lễ hội Ariêuping được tổ chức còn là dịp để củng cố mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng người Pakô, góp phần nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của già làng, trưởng bản về công tác quản lý, điều hành chủ trì, tổ chức, sắp đặt các công việc trong làng như cúng tế, lễ nghi, luật tục, hôn nhân gia đình, ranh giới đất đai, bảo vệ mùa màng…
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết: Ariêuping là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pakô. Lễ hội sau khi được khôi phục đã loại bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ lại những nét đẹp văn hóa, là dịp để đồng bào Pakô thể hiện sự tri ân với dòng họ, tổ tiên, cũng như tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.