Sene Đônta là 1 trong 3 ngày lễ lớn hằng năm của đồng bào dân tộc Khmer, thể hiện đạo lý “cây có cội, nước có nguồn”, lòng hiếu thảo của các thế hệ con cháu đối với ông bà, tổ tiên, là dịp để gia đình, dòng tộc sum họp, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa tình làng nghĩa xóm… Đây là một ngày lễ mang giá trị văn hóa và tính nhân văn sâu sắc.
Lễ Sene Đônta (lễ cúng ông bà) của đồng bào Khmer Nam bộ diễn ra trong những ngày cuối tháng 8 âm lịch. Đồng bào Khmer tin rằng con người chỉ chết về thể xác, còn linh hồn thì vẫn tồn tại. Do đó, hình thức Sene (cúng) người thân, người có công tạo lập, bảo vệ cuộc sống cộng đồng là một truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ, bày tỏ lòng biết ơn của người đang sống đối với người đã chết, vừa cầu mong đạt được những điều tốt lành nhất.
Đồng bào Khmer mang lễ vật đến chùa nhân ngày lễ Sene Đônta. |
Sư trụ trì làm nghi thức cho phép ông bà quá cố được thọ hưởng. |
Các nhà sư độ ngọ nhân lễ Sene Đônta. |
Lễ Sene Đônta, đồng bào tề tựu đông đủ tại chùa, thỉnh chư tăng làm lễ hồi hướng cho người quá cố, trong đó “cơm nếp nắm” là món ăn quan trọng không thể thiếu. Sene Đônta có 4 lễ thức chính, diễn ra tại chùa và tại nhà: "Lễ đặt cơm nắm", tổ chức tại chùa, từ ngày 16 đến cuối tháng 8 âm lịch. Mỗi buổi sáng bà con nấu cơm đem đến chùa cúng phật và cúng tổ tiên, đặc biệt có một mâm bày cơm nếp đã được nắm tròn như trái cam, gọi là bai pênh, đem ra ngoài cúng cho ông bà quá cố và những vong linh lưu lạc không có người thân. Nghi thức này còn có tên là "Hội linh" bởi là nghi thức mời những vong linh quá cố về thọ hưởng phước báo mà con cháu hiện tại đã và đang làm tại tiền.
"Lễ rước ông bà" diễn ra tại các gia đình có bàn thờ tổ tiên, vào dịp này người ta dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên và làm mâm cơm cúng để rước ông bà về sum họp gia đình. Sau đó thân tộc súm lại ăn cơm chung để ông bà thấy rằng các con cháu của họ vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc cho nhau thật tốt, từ đó yên tâm đi tái sinh về thế giới cực lạc.
"Lễ đưa ông bà", đây là ngày cúng lớn, tổ chức vào ngày cuối của thời gian diễn ra "Lễ đặt cơm nắm", có hoa quả, nhang đèn… rồi mời họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ cùng nhau cúng vái. Sau các nghi thức diễn ra tại chùa xong, mọi người lập tức quay về nhà, mỗi gia đình đều làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối dài từ 5 - 7 tấc, trang trí cờ màu sắc rực rỡ, có lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái, nhằm đưa tiễn ông bà quá cố và ma quỷ cùng trở về thế giới của mình. Sau đó, con cháu tề tựu tại trước nhà làm lễ tắm nước cho ông bà hiện tại với ý nghĩa là muốn trả ơn cho ông bà cha mẹ thì nên trả ơn khi họ còn sống mới thiết thực, còn khi ông bà đã quá cố thì trả ơn có được hay không ta không thể thấy được.
Nhưng hầu hết đồng bào Khmer đều tin rằng những việc làm của họ là việc thiện, việc tốt lành nên con cháu của họ cũng nhận được sự phù hộ độ trì của ông bà quá cố và chắc chắn họ sẽ nhận lại được những gì tốt đẹp nhất.
Chuẩn bị lễ vật để cúng Phật và cúng ông bà. |
Lễ rước ông bà về nhà là một nghi thức quan trọng không thể thiếu. |
Lễ Sene Đônta là ngày lễ mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, thắt chặt sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt vào ngày lễ Sene Đônta, đồng bào thường tổ chức các trò chơi dân gian, các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc…, từ đó đã góp phần đáng kể vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Bài và ảnh: Xuân Trang