Tại Bãi Cọi (Xuân Viên- Nghi Xuân- Hà Tĩnh), các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích thuần mộ táng với các kiểu táng thức: Mộ đất và mộ quan tài gốm (mộ chum và mộ bình), trong đó loại hình mộ đất là chủ yếu.
Theo các nhà khảo cổ, mộ đất là táng tục đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Tại Di tích Bãi Cọi, nhóm mộ đất chiếm tỷ lệ lớn thể hiện sự gần gũi trong táng thức của cư dân Đông Sơn và cư dân Bãi Cọi. Nhưng những mộ táng Bãi Cọi cũng rất gần với mộ táng Sa Huỳnh ở chỗ chúng thường được chôn trên các cồn, gò cát. Thêm vào đó, sự xuất hiện của loại mộ chum hình trái đào có nắp hình nón cụt và loại mộ bình chôn đứng đã cho thấy dấu ấn táng tục của cư dân Sa Huỳnh đối với cư dân Bãi Cọi.
Mộ nồi úp bình là loại mộ táng đặc biệt chỉ xuất hiện ở Bãi Cọi. Theo một cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử, anh Lê Ngọc Hùng: “Đây là mộ nồi, điều đặc biệt là chiếc nồi vai xuôi được úp khít lên trên của vai một chiếc bình có chân đế. Đây là hiện tượng hiếm gặp trong các di tích cùng loại, thường thì nồi là vật chủ đạo được coi như quan tài, còn ở đây chiếc bình đã thay thế cho chiếc nồi”.
Có mặt tại hiện trường khai quật, theo dõi chỉnh lý hiện vật do đó nhận thấy rõ nét từng hiện vật và đặc trưng di tích, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: “Di tích nằm ở vùng đệm văn hóa giữa hai nền văn hóa lớn lúc bấy giờ là Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam. Cho nên, sự khác biệt thể hiện ở đây là dễ hiểu. Tuy nhiên, xem xét kỹ hiện vật, chúng ta thấy rõ ràng chúng mang những yếu tố của cả hai nền văn hóa này nhưng không hẳn là thuộc bất kỳ văn hóa nào cả”.
Ông Quân kết luận: “Nên nhìn nhận Di tích Bãi Cọi như một văn hóa, Văn hóa Bãi Cọi”.
C.T