Lần đầu tiên, lễ hội đua bò vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) - một lễ hội mang đậm màu sắc dân gian và vô cùng hấp dẫn được tái hiện ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội đua bò Bảy Núi
Trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, sáng ngày 21/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ hội đua bò Bảy Núi.
Tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: lê phú |
6 đôi bò của các chủ bò NCàng PhoLy, NCàng Hoanh Ny, Chau Sắc Ri, Danh Hoan, Chau Sath và Chau Rít Thi, đã được đưa từ An Giang, quê hương của lễ hội đua bò Bảy Núi ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để tái hiện lễ hội đua bò. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, do bò không quen với giá rét của thời tiết ngoài Bắc, không quen đường đua lạ, song dưới sự điều khiển khéo léo của các “nài đua bò” (người cầm vàm), các chú bò vùng Bảy Núi đã cống hiến cho khán giả thủ đô những pha đua tài ngoạn mục.
Ông Lâm Văn Khang, Phó trưởng BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết: Hội đua bò Bảy Núi là một sinh hoạt thể thao - văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em là một biểu hiện thiết thực và sống động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Cùng với chợ nổi Nam Bộ, lễ hội Ok - om - bok, lễ hội đua bò Bảy Núi là những điểm nhấn văn hóa trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, góp phần giới thiệu với nhân dân và du khách quốc tế về bản sắc văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng.
Khánh thành quần thể chùa Khmer
Khu chùa Khmer, một trong những điểm nhấn tâm linh của "Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam" sẽ được khánh thành đúng vào ngày 23/11, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Nằm trong khu đất rộng khoảng 0,8 ha, quần thể chùa Khmer là một tổng thể những công trình đặc sắc nhất trong kiến trúc của người Khmer, được coi là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Khmer. Quần thể chùa gồm có chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, am thờ, cột cờ và ao sen. Mỗi công trình nằm ở các cao độ khác nhau và liên hệ với nhau thông qua một hệ hành lang được lát đá thô hòa nhập với cảnh quan xung quanh. Các công trình đều có mái lợp ngói vẩy cá và các chi tiết trang trí mang đậm tín ngưỡng Khmer như hoa lá, các vị thần có ảnh hưởng tới cuộc sống con người...
Theo nghệ nhân Lý Lết, dân tộc Khmer, người phụ trách thi công, việc xây dựng quần thể chùa Khmer tại Làng văn hóa không chỉ góp phần với các công trình khác tạo nên một “ngôi nhà chung” cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là niềm tự hào của đồng bào Khmer. Sau khi hoàn thành, nó sẽ trở thành điểm văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer tại Hà Nội.
Phương Hà