Độc đáo nghề đan nón lá của đồng bào dân tộc Tày

Chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày có từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết rằng cứ đời này qua đời khác, chiếc nón là vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày ở Tân An, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ thể hiện qua các mắt hình lục giác trên nón.

Bà Ma Thị Lống, 64 tuổi, thôn Tân Thịnh, xã Tân An cho biết: Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như, chăn, màn, chậu, chiếu... còn có chiếc nón lá. Người Tày quan niệm, chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai với ngụ ý muốn chăm sóc người con trai đến “đầu bạc, răng long”. Bên cạnh đó, chiếc nón còn thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của cô gái Tày. Cũng chính bởi những ý nghĩa đó mà việc làm nón đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ.

Bà Lống chia sẻ, để làm được một chiếc nón phải mất từ 4 - 6 ngày. Cách làm cũng công phu hơn so với nón của người Kinh, từ khâu chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp.

Lá cọ được chọn để làm nón phải là lá bánh tẻ. Lá lấy về sẽ được hơ qua lửa rồi đem phơi sương 2 - 3 đêm cho lá khô và phai hết màu xanh. Lá càng trắng làm nón càng đẹp.

Mỗi chiếc nón gồm hai phần, phần ngoài được xếp theo hình chóp từ 2 - 3 tàu lá cọ đã được phơi khô, phần bên trong là những sợi lạt tre nhỏ được đan cầu kỳ thành các mắt hình lục giác đều. Bước này rất khó, các mắt hình lục giác càng nhỏ nón càng đẹp và bền.

Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột (hoặc tre) màu sậm và buộc chặt bằng lạt giang. Chính bởi vậy, độ bền của chiếc nón lá do người Tày làm gấp nhiều lần so với nón của người Kinh.

Có lẽ chính bởi sự tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón dân tộc Tày ngày càng ít, người biết làm nón lá chỉ còn các cụ cao tuổi. Bà Đinh Thị Tình, 56 tuổi, thôn Tân Thịnh tâm sự: Hiện trong thôn có 100% dân số là người Tày nhưng chỉ có 2-3 người biết làm nón. Hơn nữa, người biết làm đều là người già, trẻ nhất cũng đã gần 50 tuổi.


Trước thực trạng nghề làm nón lá của người Tày có nguy cơ bị mai một, bà Trần Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết: Phòng đã xây dựng các phương án bảo tồn nghề làm nón của người Tày. Đồng thời chỉ đạo các xã, thôn, bản lên kế hoạch phục dựng các làng nghề truyền thống như thêu, dệt vải, đan lát, đặc biệt là nghề đan nón lá của người Tày.

Thời gian tới, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với những người biết làm nón để tổ chức truyền dạy, qua đó lưu giữ và phát huy được văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

Giữa những thay đổi của cuộc sống, những người như bà Lống, bà Tình vẫn cần mẫn giữ cho chiếc nón truyền thống của đồng bào vẹn nguyên giá trị. Mong rằng, tâm huyết ấy sẽ sớm được thế hệ trẻ kế thừa, để từ đó không chỉ nón lá của người Tày mà nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc sẽ được tồn tại và phát triển.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)
Thương về nón lá ngày xưa
Thương về nón lá ngày xưa

Không chỉ là vật che mưa, che nắng, mà chiếc nón đã in sâu vào trong nếp nghĩ, nếp sống và phong tục của làng, của mỗi con người sinh ra và lớn lên nơi làng quê yên ả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN