Nhằm khắc phục thiệt hại, giúp người dân sớm có nhà cửa, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương cùng các tổ chức, các nhà hảo tâm đã chung tay để hàng trăm hộ gia đình xây dựng nhà mới để kịp đón Tết Nguyên đán 2019.
Trở lại xã Tam Chung, chúng tôi ghé thăm bản Poọng, nơi cơn lũ dữ đã cuốn trôi 34 ngôi nhà cùng tài sản, hoa màu, vật nuôi của bà con, 17 hộ khác có nhà bị sập hoặc hư hỏng một phần, đường giao thông và nhà đều ngập trong bùn đất.
Bản người Thái sau cơn lũ trở nên xơ xác với những nóc nhà được dựng tạm bợ bên dòng suối, khoảng 20 nếp nhà trụ lại trên nền móng chênh vênh. Nhiều gia đình ở bản Poọng rơi vào tình cảnh rất khó khăn, thiếu thốn.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bản Poọng hôm nay đang được tái thiết trên một khu đất mới cạnh dãy núi Nà Thắn, cách khu đất cũ khoảng 1,5 km. Khu tái định cư bản Poọng khoảng 3 ha, quy hoạch 89 hộ dân, hiện đã san lấp 100% mặt bằng, phân lô chia nền. Đến nay, 29 hộ đã đăng ký nhà lắp ghép, 34 hộ đăng ký tự dựng nhà sàn gỗ, 6 hộ đăng ký dựng nhà xây.
Trên mảnh đất tái định cư mới, không khí tươi vui, phấn khởi tràn ngập với những tiếng đục, đẽo, khoan, cắt rộn ràng. Các hộ dân có nhà bị cuốn trôi, bị hư hỏng đang khẩn trương chuẩn bị nguyên vật liệu để bắt tay vào xây dựng lại nhà mới. Chỉ ít hôm nữa thôi, ở nơi đây, những nóc nhà sàn mới sẽ lấp đầy những khoảng đất trống, hứa hẹn một cuộc sống mới an toàn hơn, tươi vui.
Chị Vi Thị Phời (dân tộc Thái, bản Poọng, xã Tam Chung) chia sẻ: Trận lũ lịch sử đã cuốn hết nhà cửa, tài sản của gia đình. 3 tháng nay, gia đình phải dựng lán tạm để ở. Nhờ sự quan tâm của nhà nước, dân bản có khu tái định cư mới. Ngay khi được chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền, gia đình đã bắt tay vào dựng nhà mới. Được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và dân bản, mọi công việc đã cơ bản hoàn thành. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng Tết này được ở trong nhà mới, gia đình chị rất vui.
Tự tay sơn sửa lại ngôi nhà mới ở khu tái định cư, anh Hoàng Thanh Tâm (42 tuổi), một trong 34 hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi ỏ bản Poọng cho biết: "Lúc nhà bị cuốn trôi, may mắn 5 người trong gia đình đều được đưa đến nơi an toàn. Mất nhà, mất tài sản, hơn 10 ngày gia đình cùng hơn 100 người dân khác trong bản được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Chung cưu mang, đùm bọc. Sau khi dựng tạm được lán để ở, gia đình lại về bản sinh sống. Chỉ sau hơn 3 tháng kể từ ngày cơn lũ dữ tràn qua, gia đình tôi đã có căn nhà mới để ở. Không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm".
Là một trong những người luôn đồng hành cùng bà con bản Poọng từ ngày đầu tiên cơn lũ dữ quét qua cho đến những ngày "cùng ăn, cùng ở, cùng lo" với bà con, Thượng tá Phan Doãn Kiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung (huyện Mường Lát) cho biết: 3 tháng qua, bên cạnh công việc chuyên môn, Đồn Biên phòng Tam Chung đã huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sỹ giúp người dân bản Poọng khắc phục hậu quả thiên tai.
Dù còn nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Tam Chung quyết tâm phối hợp cùng lực lượng Công an, Quân sự, sát cánh cùng chính quyền địa phương lo cho nhân dân Bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát sớm được về ở trong những ngôi nhà mới tại khu tái định cư trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Theo UBND huyện Mường Lát, trong đợt lũ ống lũ quét hồi đầu tháng 9, toàn huyện có 104 hộ có nhà bị sập hoàn toàn, 92 nhà bị hư hỏng nặng từ 50 - 70%, 92 nhà hư hỏng từ 30 - 50%, 55 hộ phải di dời khẩn cấp.
Xác định việc xây dựng nhà ở tái định cư, ổn định đời sống nhân dân là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách, phải được ưu tiên hàng đầu, tỉnh Thanh Hóa đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ dân mất nhà, phải làm lại nhà mới 75 triệu đồng.
Đối với các hộ có nhà bị ảnh hưởng của thiên tai, huyện vận động các hộ thực hiện việc xây dựng và sửa sang nhà cửa theo hình thức tái định cư xen ghép và tái định cư tại chỗ. Đối với các hộ dân cần phải di dời khỏi nơi ở cũ, huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa tiến hành xác định và tìm được 3 vị trí có thể làm khu tái định cư gồm khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung (89 hộ); khu tái định cư bản Qua, xã Quang Chiểu (32 hộ); khu tái định cư bản Na Chừa, xã Mường Chanh (69 hộ).
Với địa bàn đồi núi cao, dốc, khan hiếm đất ở, việc lựa chọn, san đồi để bố trí những vị trí thuận lợi cho bà con dựng nhà mới, tái thiết lại cuộc sống là những nỗ lực không hề nhỏ của chính quyền địa phương các cấp ở Thanh Hóa.
Hiện tại 3 khu tái định cư này đã thực hiện xong việc san lấp mặt bằng và phân lô, cấp đất cho các hộ dân diện tái định cư để các hộ xây dựng nhà, ổn định đời sống. Các khu tái định cư này sẽ được đầu tư đồng bộ về đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh… theo tiêu chuẩn của các khu dân cư nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cho biết: Thời điểm này, việc xây dựng nhà ở tái định cư và ổn định đời sống nhân dân Mường Lát là việc cần thiết và cấp bách, phải được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh cho mỗi hộ dân bị mất nhà 75 triệu đồng, đến đầu tháng 1/2019, huyện Mường Lát đã hỗ trợ khẩn cấp 811 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện cho các hộ có nhà sập hoàn toàn với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/nhà, đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ, xen ghép giữa các hộ.
Địa phương đang nỗ lực, dốc toàn bộ lực lượng để phấn đấu hoàn thành việc dựng nhà cho các hộ dân xong trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã không quản ngại đường xá xa xôi, cách trở đem hàng cứu trợ gồm gạo, mì tôm, nước mắm, nước uống, thuốc men, quần áo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống và sinh hoạt đến với đồng bào huyện Mường Lát.
Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của chính mỗi người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng đất này sẽ hồi sinh thật mạnh mẽ.