ĐBSCL hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn - Bộ NN&PTNT, cảnh báo tình hình hạn, mặn tại các tỉnh ĐBSCL hiện đang ở mức báo động. Nhiều địa phương, vùng miền đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe.
Đắp đê tạm thời để trữ ngọt, ngăn mặn khiến thương lái không vào được ruộng để thu mua nông sản. |
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2013, vào đầu mùa khô 2014, tại 13 tỉnh của vùng ĐBSCL có tổng số hơn 3.900 công trình cấp nước. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ (10/13 tỉnh), hiện đã có khoảng 145 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, ứng với số dân bị ảnh hưởng trên 377.000 người. Giá nước sạch trung bình được thương lái vận chuyển bán cho người dân tại các tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau... từ 25.000 - 60.000 đồng/m3 vào mùa khô.
Bà Võ Thị Thông, 47 tuổi, ngụ tại tổ 10, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Giếng khoan của hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây bị nhiễm phèn mặn nên chỉ dùng tắm rửa thôi. Tôi đã sống tại đây hơn 20 năm nhưng đến nay hệ thống nước sạch vẫn chưa có. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, nước sạch để sinh hoạt rất đắt mà phải đi hơn 10 km vào trung tâm xã mới mua được. Những lúc không mua được nước, tôi phải dùng nước nhiễm phèn để nấu ăn luôn chứ biết làm sao”.
Ông Lê Văn Tiễn, Chủ tịch xã Bình Sơn nhìn nhận, nguồn nước mặt bị tác động của xâm nhập mặn và phèn hóa đã khiến cho nhiều giếng khoan của người dân không thể phục vụ sinh hoạt sản xuất. Hiện nay, theo những người dân đang sinh sống tại xã Bình Sơn, nước sạch phải mua với giá cao ngất ngưởng, 10.000 đồng cho 30 lít, trong khi đa phần các hộ dân tại đây đều không có điều kiện kinh tế và đời sống khá khó khăn. Hiện nay hàng ngàn hộ dân tại xã vẫn chưa có nhà vệ sinh và sử dụng nhà vệ sinh trên sông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ yếu mắc bệnh ngoài da mà còn làm cho tác động của BĐKH vào cộng đồng dân cư trở nên nghiêm trọng hơn”, ông Tiễn nói.
Thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất, vào mùa khô này, nhiều hộ dân ở ĐBSCL lại khoan giếng ngầm nhiều hơn và sâu hơn để lấy nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu hàng ngày. Điều này khiến cho mạch nước ngầm ô nhiễm, cạn kiệt. Không chỉ thế, theo các chuyên gia chống BĐKH, việc khoan giếng lấy nước ngầm sẽ khiến BĐKH diễn tiến nhanh hơn và ĐBSCL sẽ có nguy cơ ngập sâu hơn do nền đất bị sụp lún hàng năm.
Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn hán, xâm mặn, Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kiến nghị các đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh rà soát, kiểm tra các công trình cấp nước, chủ động tu bổ, khắc phục sự cố, hư hỏng; theo dõi mực triều để điều chỉnh chế độ lấy nước và vận hành công trình; đồng thời các ngành, các cấp phối hợp tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước sạch, sử dụng tiết kiệm. Trung tâm cũng đề nghị bộ, tỉnh lựa chọn các chương trình, dự án cấp nước vùng hạn, mặn vào danh mục ưu tiên sử dụng vốn ODA và chương trình môi trường quốc gia ứng phó với BĐKH.
Bài và ảnh: A.Đ